Gìn giữ bản sắc làng quê khi xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại sức sống mới cho những làng quê. Tuy nhiên, ở không ít địa phương, do nhìn nhận cứng nhắc mà phong trào bê-tông hóa diễn ra rầm rộ. Vẻ đẹp của làng quê, nhất là nét đẹp kiến trúc, cảnh quan với không gian xanh, với cổng làng, cây đa, bến nước, mái đình... đang dần biến mất. Một số nét văn hóa khác cũng có nguy cơ phai nhạt.

Tuyến đường hoa mười giờ tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Ảnh: VIỆT HÙNG
Tuyến đường hoa mười giờ tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Ảnh: VIỆT HÙNG

Bê-tông hóa quá đà

Hà Nội có vùng ngoại thành rộng lớn, với 18 huyện, thị xã. Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp kinh tế - xã hội vùng ngoại thành có những bước chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc. Ðến nay, thành phố có 324 xã trong tổng số 386 xã đạt chuẩn NTM, tăng thêm 96 xã so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt hơn 43 triệu đồng/người. Dễ thấy nhất là sự thay đổi bộ mặt các làng quê, khi hạ tầng được xây dựng kiên cố, nhà cửa được xây dựng khang trang.

Tuy nhiên, phong cảnh làng quê Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vốn đẹp bởi sự hài hòa với môi trường, với không gian xanh, những kiến trúc truyền thống như: Cổng làng, cây đa, bến nước, mái đình... Việc “mải mê” xây dựng khiến nhiều làng quê bị bê-tông hóa một cách cứng nhắc. Ðến thời điểm này, không biết bao nhiêu “hàng rào xanh” bị chặt hạ. Cũng chưa ai thống kê hết được có bao nhiêu cổng làng cổ kính đã mất đi, thay bằng cổng sắt, cổng bê-tông thô kệch. Nhiều ao làng bị san lấp. Ðiều đáng lo ngại nhất là khi kinh tế thay đổi, nhiều gia đình xây dựng lại nhà cửa. Do không hiểu biết hoặc thiếu sự hướng dẫn cho nên các gia đình nông thôn bê nguyên kiến trúc nhà ống ở đô thị, hoặc xây nhà giả biệt thự Pháp, phá vỡ kiến trúc, cảnh quan. Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thừa nhận: “Nhiều làng xã chung quanh Hà Nội mở rộng mặt bằng ra khỏi ranh giới cũ, lấp ao hồ xây nhà lấn chiếm ruộng vườn, diện tích cây xanh bị giảm đi đáng kể, không gian trở nên oi bức, ngột ngạt”.

Không lâu sau khi thành phố triển khai chương trình xây dựng NTM, vấn đề bảo tồn kiến trúc, cảnh quan truyền thống, vấn đề gìn giữ nét đẹp của làng quê đã được đặt ra. Thậm chí, một số chuyên gia đã đề xuất nên đưa kiến trúc, cảnh quan trở thành tiêu chí trong xây dựng NTM. Thế nhưng, thực tế cho thấy, yếu tố không gian sống của người dân chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những thay đổi ngoài mong muốn.

Cần định hướng cho người dân

Trước khi các địa phương triển khai xây dựng NTM phải có quá trình lập quy hoạch. Tuy nhiên, ngay từ khâu lập quy hoạch, yếu tố kế thừa nét đẹp của làng quê đã ít được quan tâm. Ðối với kế thừa, gìn giữ nét đẹp của kiến trúc, cảnh quan, không gian công cộng, như cổng làng, ao làng, các di tích lịch sử, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên, cần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền địa phương. Xóa bỏ tư duy nông thôn mới nghĩa là cái gì cũng xây mới. Kiến trúc sư Trần Trung Hiếu (Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: “Ðể có sự hài hòa của kiến trúc nông thôn trong sự giao thoa của đô thị hóa cần giải quyết được ba yếu tố: Nét truyền thống, sự đan xen, đổi mới trong bảo tồn. Do đó cần xây dựng các công trình với mật độ thấp, các công trình thấp tầng từ một đến ba tầng, khuyến khích các công trình xây dựng theo nhà ở nông thôn truyền thống, nhà ở mô hình sinh thái”.

Thiết kế một ngôi nhà đẹp cho khu vực nông thôn không phải điều dễ dàng, khi nó vừa phải mang nét đẹp của truyền thống, vừa giải quyết được các nhu cầu của cuộc sống người dân, bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp hoặc làng nghề, nhu cầu lắp đặt các thiết bị hiện đại trong gia đình, theo hướng các công trình khép kín để tiện dụng trong sinh hoạt. Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đề xuất cần có mẫu thiết kế nhà kiểu mẫu cho khu vực nông thôn. Các mẫu kiến trúc này phải bảo đảm được các yếu tố truyền thống, hiện đại và khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống. Các mẫu nhà này nên được trưng bày công khai ở các địa phương, để người dân góp ý. Sau đó, hướng dẫn người dân xây dựng theo những mẫu này. Trên thực tế, cách làm này đã được triển khai tại làng cổ Ðường Lâm. Chính quyền phối hợp các cơ quan chuyên môn thiết kế tới 20 mẫu nhà. Các mẫu nhà đều có mái dốc, khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống, chiều cao tối đa ba tầng. Tùy theo khổ đất, điều kiện kinh tế người dân có thể chọn lựa. Song, các mẫu nhà ở Ðường Lâm gặp khó khăn trong việc đưa vào thực tế, vì một số mẫu chưa phù hợp. Cùng với đó, tư duy của người dân vẫn chưa được đả thông. Ðây là bài học quý nếu triển khai thiết kế mẫu nhà nông thôn kiểu mới trên diện rộng.

Mặc dù kiến trúc, cảnh quan nông thôn có nhiều vấn đề đặt ra, tuy nhiên, trong bức tranh chung cũng có không ít nét tích cực. Một số địa phương đang vận động người dân trồng những đường hoa, điển hình như những đường hoa ở Phú Xuyên, Ðan Phượng, Chương Mỹ... Những đường hoa này góp phần làm giảm sự nặng nề của các khối bê-tông. Một số địa phương khác, sau khi nhận ra sự bất cập của bê-tông hóa, đã vận động người dân gìn giữ những hàng rào xanh. Ðiều này cho thấy, một khi chính quyền vào cuộc tích cực, thì việc gìn giữ vẻ đẹp kiến trúc, cảnh quan truyền thống là điều hoàn toàn có thể thực hiện.