Đã lâu lắm, khoảng sân của nhà văn chỉ làng Mọc xưa (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) mới vang lên tiếng đàn nhị réo rắt, tiếng đàn nguyệt trầm ấm và những lời ca, khi thì là những bài hát xẩm, khi là những làn điệu chèo. Bà Dung “xẩm” chạy đi chạy lại, khi “nắn” người này, khi “chỉnh” người kia. Dịch Covid-19 khiến Câu lạc bộ (CLB) Dân ca làng Mọc Quan Nhân cũng phải đóng cửa suốt một thời gian dài. Thỉnh thoảng, các nghệ nhân dân gian mới được sinh hoạt... trực tuyến. Mãi gần đây, những người yêu văn nghệ dân gian ở làng Mọc Quan Nhân mới được sinh hoạt trở lại. Bà Dung “xẩm” là cách gọi thân mật của người dân nơi đây khi nói về Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung, người gieo mầm tình yêu với những câu ca cổ, người vun trồng CLB suốt những năm qua.
Câu chuyện của nghệ nhân Phan Thị Kim Dung cũng như CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân đều là những câu chuyện lạ. Nghệ nhân Kim Dung sinh năm 1951, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định) và sớm thừa hưởng tài năng của người cha là nghệ nhân hát xẩm Phan Đức Hậu. Tài năng sớm nảy nở, cô bé Kim Dung từng giành nhiều giải thưởng về âm nhạc truyền thống khi còn nhỏ, rồi được học qua nhiều người thầy nổi tiếng của “làng xẩm” như: Nghệ nhân Hà Thị Cầu, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch. Nhưng không như những nghệ nhân khác, làng quê nghệ nhân Kim Dung sinh ra không phải một “làng xẩm”, hay “làng chèo” nên tài năng không có đất dụng võ.
Sau này, khi làm công nhân, để duy trì tình yêu, bà âm thầm luyện tập và tích cực tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng. Cái tình yêu đầy “trắc trở” ấy bỗng thay đổi, khi năm 1995, nghệ nhân Kim Dung cùng gia đình lên định cư tại Hà Nội. Chẳng ngờ, gia đình bà chọn đúng mảnh đất giàu truyền thống của Hà thành-làng Mọc Quan Nhân, một trong năm làng của đất Kẻ Mọc thuở nào. Dù đã lên phố, nhưng cư dân Mọc Quan Nhân vẫn giữ được nếp làng. Làng Mọc không phải mảnh đất của các loại hình diễn xướng dân gian, nhưng vốn là nơi có bề dày văn hóa, nên người dân có sẵn tình yêu với các loại hình diễn xướng dân gian. Bà Dung “xẩm” dù là người mới đến, nhưng được người dân quý mến, và sự xuất hiện của bà làm phong trào văn nghệ địa phương sôi nổi hẳn lên. Nhiều người đến tìm bà Dung “xẩm” để học hỏi. Nghệ nhân Kim Dung chẳng mong gì hơn thế, dốc lòng truyền dạy vốn nghề đã học được bấy lâu.
CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân ra đời khi người dân làng Mọc Quan Nhân quyết tâm viết lên một câu chuyện mới, tạo dựng một truyền thống mới. Còn tình yêu trắc trở của nghệ nhân Phan Thị Kim Dung đã tìm được một mảnh đất lành. Hai bên nương vào nhau mà đi lên. Hằng tuần, vào những buổi sinh hoạt định kỳ, Nghệ nhân Ưu tú Kim Dung lại say sưa truyền dạy cho các hội viên trong CLB kỹ năng biểu diễn, những cái hay, cái đẹp của hát xẩm.
Cùng với xẩm, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung cũng thành thạo hát chèo, hát văn… và cả các điệu múa dân gian. Do đó, CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân ngoài thế mạnh về hát xẩm, còn có các thành viên có thể biểu diễn nhiều mảnh chèo hay. CLB thường biểu diễn trong những dịp lễ, Tết, những dịp khu dân cư có hội họp quan trọng. Người dân thấy các tiết mục lôi cuốn, hấp dẫn nên bị cuốn theo. Ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia CLB. Không những thế, nhiều phụ huynh còn muốn cho con em theo học. Bởi dân ca giúp các em có tình yêu quê hương, tránh xa được các trò chơi điện tử, hay các xu hướng âm nhạc không phù hợp giới trẻ.
Bà Dung “xẩm” mở lớp truyền dạy thêm cho các em thiếu nhi từ 8-15 tuổi vào cuối tuần. Để truyền tải được cho các em những kiến thức, những kỹ thuật luyến láy một cách dễ hiểu nhất, nghệ nhân Kim Dung xây dựng giáo án chi tiết, phù hợp lứa tuổi các em. Dù tốn nhiều công sức, nhưng nhờ sự nỗ lực, mày mò của người nghệ nhân cao tuổi, từ những đứa trẻ thơ chưa biết âm nhạc truyền thống là gì, các em dần dần hiểu hơn, yêu mến và say mê hơn với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Từ lớp học này, những học sinh của bà Dung đã đem hát xẩm đến các tiết mục văn nghệ ở một số trường học trên địa bàn như: Trường THCS Nhân Chính, Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường tiểu học Thanh Xuân Trung... Tuy là một CLB không chuyên, nhưng các thành viên của CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân đều rất chuyên nghiệp và giành nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan văn nghệ dân gian của Hà Nội cũng như quốc gia.
Nghệ nhân Kim Dung chia sẻ: “Hiện nay, âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ mai một. Vì vậy, được truyền dạy cho các em là niềm vui, là động lực với bản thân tôi. Bởi lớp trẻ là tương lai của âm nhạc dân tộc”. Sau khi được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015, bà Phan Thị Kim Dung là một trong số ít nghệ nhân của Hà Nội được đề nghị trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở loại hình hát xẩm trong năm 2022.