Giáo viên được hỗ trợ 50 triệu đồng khi về Hậu Giang công tác

NDO - Sáng 6/7, tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật cho các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.
Kỳ họp thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.
Kỳ họp thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Theo đó, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/giáo viên. Mức hỗ trợ được tính trả một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các phí khác.

Trường hợp giáo viên thuộc đối tượng hưởng các mức hỗ trợ ưu đãi khác trong lĩnh vực thu hút thì chỉ được hưởng theo một mức cao nhất. Nguồn kinh phí chi từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn kinh phí hợp pháp khác và thực hiện theo phân cấp ngân sách.

Đối với người nhận chính sách thu hút này phải cam kết giảng dạy có thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Trường hợp giáo viên đã nhận kinh phí thu hút không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết, phải hoàn trả kinh phí đã nhận như sau: Giáo viên đã có thời gian phục vụ theo cam kết dưới 2 năm thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã nhận; giáo viên đã có thời gian phục vụ theo cam kết từ đủ 2 năm trở lên thì hoàn trả kinh phí đã nhận theo tỷ lệ thời gian thực tế còn lại.

Họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, toàn ngành giáo dục và đào tạo hiện còn thiếu 184 giáo viên giảng dạy các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tại kỳ họp này, cũng đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên, khoán định mức nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023 trên địa bàn.

Theo đó, định mức hỗ trợ kinh phí hợp đồng đối với giáo viên mầm non: 5 triệu đồng/người/tháng. Giáo viên làm việc tại đơn vị có tổ chức bán trú được hỗ trợ thêm 300 nghìn đồng/người/tháng (kinh phí này không dùng để tính các khoản bảo hiểm theo quy định). Đối với giáo viên phổ thông: 5.400.000 đồng/người/tháng và đối với nhân viên là 4.500.000đồng/người/tháng.

Định mức trên đã bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp và kinh phí công đoàn của đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Thời gian thực hiện là 11 tháng, kể từ ngày 1/8/2022.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang xác định nhu cầu đội ngũ giáo viên, nhân viên: Đối với giáo viên là 846 người, trong đó, có 535 biên chế giáo viên chưa sử dụng, phải cần thêm 311 giáo viên ngoài biên chế để bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh; đối với nhân viên là 506 người, trong đó, có 34 biên chế chưa sử dụng, phải cần thêm 472 nhân viên ngoài biên chế. Ước tổng kinh phí thực hiện gần 75 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Riêng đối với các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng trong nguồn kinh phí hoạt động để chi trả.

Sau 2,5 ngày làm việc, kỳ họp cũng đã thông qua nhiều nghị quyết, chính sách liên quan đến đầu tư công, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Đây là những vấn đề quan trọng tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ của năm 2022 cũng như cả nhiệm kỳ.