Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là khi học sinh quay trở lại trường học sau thời gian dài học trực tuyến, không ít phụ huynh đưa trẻ đến trường với tâm lý lo lắng, hoang mang vì các em nhỏ chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn triển khai việc tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời tổ chức hội nghị tập huấn tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, chiến dịch tiêm chủng sẽ được triển khai từ tháng 4/2022 tại trường học, các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm lưu động, tiêm cho nhóm 11 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo số lượng vaccine được phân bổ.
Ngay sau khi có thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Móng Cái đã hoàn thiện công tác rà soát, sàng lọc lập danh sách trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn đủ điều kiện được tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt này. Tổng số có 15.286 em, trong đó nhóm trẻ ở độ tuổi mầm non là hơn 2.300 trẻ, nhóm ở độ tuổi tiểu học trên 11.500 trẻ, nhóm ở độ tuổi đi học Trung học cơ sở dưới 12 tuổi là 1.410 trẻ. Đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thận trọng khi tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hơn 3.700 trẻ.
Hiện thành phố đã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với ngành y tế, giáo dục rà soát chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm chủng khi có chỉ đạo của tỉnh và ngành y tế. Thành phố dự kiến sẽ triển khai hơn 20 điểm tiêm bằng việc trưng dụng cơ sở sẵn có của các trường học và Bệnh viện số 1 thành phố. Ngành y tế thành phố cũng chủ động sẵn sàng 32 đội tiêm vaccine phòng Covid-19 gồm 128 người và thành lập 10 tổ cấp cứu của Trung tâm y tế phục vụ tiêm chủng. Công tác tập huấn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cụ thể từ khâu thăm khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, cũng như những hướng dẫn xử lý khi trẻ gặp tác dụng phụ sau tiêm.
Trưởng phòng Y tế thành phố Móng Cái Hoàng Thị Xuyến cho biết, hiện có 2 loại vacine phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế đồng ý đưa vào tiêm là Pfizer và Moderna tiêm theo liều lượng quy định; không sử dụng vaccine của người lớn để tiêm cho trẻ lứa tuổi này. Trong đó, đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc; trường hợp đã mắc Covid-19 trong 3 tháng gần đây, xem xét từng cá thể, cân nhắc lợi ích, nguy cơ có thể tiêm sớm hơn ngay sau khi trẻ khỏi bệnh; trường hợp có hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) thì phải hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn, chuyển tiêm tại Bệnh viện số 1, thành phố Móng Cái nếu có tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, công tác nhập số liệu tiêm chủng và điều tiết hướng dẫn đến các bàn tiêm, hướng dẫn khai báo y tế sẽ được triển khai bởi lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ tại các điểm tiêm. Các phương án vật tư y tế, vật tư hư hao, trang, thiết bị y tế, thuốc cấp cứu… phục vụ tiêm chủng được rà soát, bổ sung kịp thời.
Việc bố trí địa điểm tại các trường học rất thuận lợi, bảo đảm cho công tác tiêm chủng. Đồng thời, thành phố cũng sẵn sàng các nội dung chuẩn bị trong triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 khi có chỉ đạo của tỉnh, Trung ương gắn với bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tiêm chủng.
Thực tế vừa qua trước những “đợt sóng” lớn ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thành phố Móng Cái đã có nhiều kinh nghiệm triển khai tiêm chủng vaccine cho đối tượng trẻ em. Trong đó có tiêm chủng 12 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mới đây, thành phố cũng đã triển khai các kế hoạch tiêm chủng vaccime phòng Covid-19 đúng quy định cho nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, đạt khoảng 98%. Tính từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có tổng số 73.881 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng Covid-19, đạt 95,53%.
Từ sự chủ động xây dựng phương án, kịch bản chi tiết, thành phố Móng Cái đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị để tiếp tục thực hiện đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Đây được coi là “lá chắn” hữu hiệu bảo vệ trẻ em trước đại dịch, bảo đảm duy trì cho các em môi trường học tập an toàn nhất trong tình hình hiện nay.