Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9, nhiều cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, tôn vinh những lớp người đã đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để thành phố đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Các bạn trẻ lắng nghe những câu chuyện của chiến sĩ cách mạng năm xưa.
Các bạn trẻ lắng nghe những câu chuyện của chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Những ngày này, không khí của mùa thu Cách mạng 75 năm trước như sống lại trên phố phường Thủ đô. 75 năm về trước, có một sự kiện quan trọng ngay sau ngày Quốc khánh, đó là ngày 5-9, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, của Trung ương Đảng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tiếp đó, ngày 8-9, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người dân. Những sự kiện này đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục cách mạng, nền giáo dục thấm đậm tính nhân văn, vì con người và cho con người, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Với mong muốn để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa sâu sắc của ngày khai trường đầu tiên ấy, năm nay, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chọn chủ đề Chắp cánh ước mơ để tổ chức trưng bày, giới thiệu với công chúng. Trong đó, phần mở đầu là những hình ảnh, hiện vật, tư liệu với chủ đề “Ký ức mùa khai trường”. Những hiện vật, hình ảnh tái hiện lại không khí học tập để kiến quốc những năm tháng đầu tiên khi nước nhà độc lập. Đó là tinh thần “con không biết thì học cha, ông không biết thì học cháu; người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết”. Đó là hình ảnh về những lớp bình dân học vụ mà người già, trẻ nhỏ cầm đèn, đốt đuốc đi học…

Phong trào chống “giặc dốt” ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã làm nên những kỳ tích. Chỉ một năm sau ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập, 75 nghìn lớp học được mở, với hơn 95 nghìn giáo viên, giúp 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Nền giáo dục ấy đã góp phần hình thành nên lớp người mới, phục vụ cho công cuộc cách mạng sau này.

Phần trưng bày “Biến nhà tù thành trường học cách mạng” cho người xem thấy niềm khát khao học tập, tiếp nhận tri thức để phục vụ cách mạng, phụng sự dân tộc ở ngay trong những nhà tù thực dân đế quốc của những chiến sĩ cách mạng. Đó là những “trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “trường học giữa biển khơi” tại Nhà tù Côn Đảo, “trường học trên cát” tại Nhà giam tù binh Phú Quốc... Trong hoàn cảnh trăm bề thiếu thốn, các chiến sĩ cách mạng dùng bao thuốc lá, bao thư làm giấy viết, quản bút bằng cành cây, mực viết là gạch non, than bếp… Công chúng không thể không xúc động khi được nghe những kỷ niệm của bà Trần Thị Thúy Huệ, người bạn đời của cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Chiển và ông Lương Văn Cừ, bạn tù của ông Chiển. Trải qua các trại giam Tân Hiệp, rồi Phú Quốc từ năm 1966 đến năm 1973, ông Chiển được biết đến với tên gọi “thầy Thu” đã dạy toán cho biết bao người; không những thế, ông còn nắm bắt tình hình, tuyên truyền các diễn biến thời sự để anh em bạn tù giữ vững ý chí… Nhiều người trưởng thành từ lớp học này, có những đóng góp lớn cho xã hội.

Phần trưng bày “Xây đắp những ước mơ” thể hiện những hành động, việc làm kế thừa truyền thống của cha anh xưa thông qua những câu chuyện về khát vọng học tập và nỗ lực thực hiện khát vọng ấy từ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi tham quan các hình ảnh, hiện vật tại trưng bày, em Nguyễn Thủy Tiên, sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội cho biết: “Triển lãm cho chúng em biết rất nhiều thông tin quý báu. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhân dân, các chiến sĩ cách mạng luôn nỗ lực học tập. Điều đó khiến chúng em thấy mình cần phải cố gắng hơn”.

Những ngày này, TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm ôn lại quá khứ, tôn vinh những lớp người đi trước có những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của dân tộc; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, với hơn 100 tài liệu, hình ảnh mang chủ đề “Độc lập”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã kể lại câu chuyện độc lập của dân tộc ta xuyên suốt chiều dài lịch sử. Triển lãm giới thiệu bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta - bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” vang lên tại phòng tuyến sông Như Nguyệt vào năm 1077 khi nhà Lý kháng chiến chống quân Tống; tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi viết năm 1428 sau khi Lê Lợi lãnh đạo quân dân ta kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, giành lại độc lập cho dân tộc và bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Cùng với đó là những hình ảnh, tư liệu về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, lễ thoái vị của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam… Qua những hình ảnh, hiện vật, khách tham quan hiểu hơn, để có độc lập, tự do, dân tộc Việt Nam luôn phải trải qua quá trình đấu tranh gian khổ. Đó cũng là bài học quý đối với thế hệ trẻ hôm nay, bên cạnh việc xây dựng đất nước, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, giữ gìn độc lập dân tộc.