Giảm áp lực giao thông những ngày cuối năm

Những ngày cuối năm, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội tăng cao. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố đang triển khai thi công nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, nhiều đường, hè phố bị rào chắn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm hoặc khi trời mưa.
0:00 / 0:00
0:00

Trước tình hình này, các lực lượng chức năng của thành phố đã lên kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã quán triệt toàn bộ chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông. Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải huy động 212 thanh tra viên/ngày, bố trí ứng trực tại 106 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, để ngăn ngừa tình trạng ùn tắc.

Năm 2023, trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại từ năm 2022). Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông thực hiện các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý các vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân. Trong số này có 17 điểm ùn tắc do rào chắn phục vụ thi công; 14 điểm do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; 2 điểm do đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; 4 điểm do quá tải lưu lượng phương tiện. Từ đó, các ngành chức năng thực hiện các giải pháp khắc phục phù hợp. Đến nay, đã giải quyết được 15 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đối với các điểm ùn tắc do ảnh hưởng từ việc rào chắn kéo dài phục vụ thi công các công trình trọng điểm, như dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; dự án xây dựng cầu vượt đường An Dương-Thanh Niên giai đoạn 2 thì giải pháp duy nhất là yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình để hoàn trả đường dành cho giao thông.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự án xây dựng cầu vượt đường An Dương-Thanh Niên giai đoạn 2 đang được các đơn vị thi công ba ca liên tục, phấn đấu đến Tết Nguyên đán 2024 sẽ hoàn thành khoảng 1 km, gồm 300m từ Khách sạn Thắng Lợi đến đường Xuân Diệu và 700m từ đường Lạc Long Quân đến cầu Nhật Tân, giảm áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm này. Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự kiến trong quý II năm 2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt là hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa đoạn tuyến trên cao đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vào khai thác thương mại.

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông thành phố còn nhiều bất cập, lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, thì công tác tổ chức giao thông cần được các ngành chức năng đẩy mạnh. Cùng với đó, thành phố cần giám sát chặt chẽ việc thi công các công trình trọng điểm bảo đảm tiến độ, tránh để tình trạng các dự án thi công dây dưa, kéo dài, gây ùn tắc giao thông trên địa bàn ■