Hà Nội trong những ngày nóng đỉnh điểm, nhưng chị Nguyễn Thị Vân ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai vẫn đi xe máy đến chỗ làm cho chủ động, bởi gọi ta-xi công nghệ và truyền thống đều rất khó. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều người dân tại Hà Nội. Việc giá xăng tăng cao khiến cho nhiều lái xe không thể trụ được, vì “càng chạy càng lỗ”.
Anh Lê Văn Sơn ở Phúc La, quận Hà Đông đang tính bỏ nghề vì chưa bao giờ gặp khó khăn đến như vậy. Đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến thu nhập của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi dịch được kiểm soát, anh Sơn nghĩ có thể quay trở lại công việc lái xe ta-xi truyền thống, nhưng thực tế thì không như vậy. “Trước khi có dịch Covid-19, lái xe ta-xi truyền thống là một nghề có thu nhập bình quân tương đối ổn. Nhưng sau hơn hai năm dịch Covid-19 diễn ra, giá xăng dầu tăng cao quá, thu nhập của những lái xe ta-xi truyền thống kém đi rất nhiều vì giá cước xe vẫn giữ nguyên”. Nhiều đồng nghiệp của anh đã phải bán xe để chuyển sang công việc khác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, chi phí xăng, dầu chiếm tỷ trọng từ 35% đến 40% trong cấu thành giá cước, giá xăng, dầu điều chỉnh ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải, từ đó cũng ảnh hưởng đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải. Điều chỉnh giá cước vẫn phải nằm trong quy định của bình ổn giá, đơn vị vận tải muốn tăng giá phải kê khai, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình điều chỉnh giá, buộc phải ngừng các phương tiện hoạt động, các doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Khó khăn không kém là các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh. Mới đây, Công ty TNHH Bắc Hà đã có công văn gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội xin ngừng hoạt động sau gần 10 năm vận hành năm tuyến xe buýt mang số hiệu 41, 42, 43, 44 và 45. Theo đại diện công ty, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, hoạt động của doanh nghiệp phải dừng hẳn trong một thời gian dài. Mặc dù không có doanh thu, nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết, dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi, cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng. Khi đơn vị không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn của ngân hàng sẽ dẫn tới việc thu giữ tài sản thế chấp là 57 chiếc xe buýt đang sử dụng cho năm tuyến buýt, làm ảnh hưởng đến vận tải hành khách theo các hợp đồng đã ký với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội.
Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe chạy tuyến cố định Hà Nội-Lào Cai cũng cho biết, giá xăng, dầu tại Việt Nam biến động theo thế giới và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nếu giá xăng tăng mà đề xuất tăng giá vé sẽ khiến lượng khách sụt giảm. Doanh nghiệp hiện đã giảm số lượng xe chạy, chỉ còn duy trì 50% tổng số xe, cho nên phải dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50% đến 60% ghế trên xe mới không bị lỗ.
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, để không bị phá sản; đồng thời, phải cắt giảm chuyến, dồn khách để giảm chi phí vận hành trước những khó khăn hiện hữu... Thách thức là rất lớn, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý sớm có những giải pháp “trợ lực” cho ngành vận tải với những chính sách nhanh và linh hoạt hơn để vượt qua được giai đoạn này. “Các chính sách phải mạnh mẽ, chính sách mà nhỏ giọt thì không thể khôi phục được, không thể bứt tốc được. Cùng với đó, phải đồng bộ hóa tất cả các chính sách. Chính phủ quyết định dành 320.000 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi xăng, dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất. Tất cả phải chung tay mới kiểm soát được giá xăng dầu, mới hỗ trợ được doanh nghiệp vận tải”, Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi Hà Nội Nguyễn Công Hùng đề xuất.