Tính đến tháng 1/2022, Đảng bộ thành phố Hà Nội có hơn 460 nghìn đảng viên sinh hoạt tại 2.308 chi bộ, đảng bộ cơ sở thuộc 50 đảng bộ cấp trên cơ sở. Với số lượng lớn như vậy, cho nên việc nâng cao chất lượng đảng viên là yêu cầu hàng đầu.
Tăng sàng lọc, rà soát
Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, Vũ Đức Bảo, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 và Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy khóa 17 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” đều đã lưu ý phải nâng cao chất lượng đảng viên, từ kết nạp, quản lý đến rà soát, sàng lọc đảng viên.
Đáng chú ý, từ khi thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, từ Thành ủy đến các đảng bộ trực thuộc và chi bộ, đảng bộ cơ sở của thành phố đã rất chú trọng đến công tác này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Là một trong những đơn vị tích cực thực hiện công tác này, Quận ủy Long Biên đã chủ động hướng dẫn cấp ủy cơ sở triển khai công tác quản lý, kết nạp đảng viên mới gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW. Theo Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Long Biên, Vũ Thị Thân, năm 2021, Đảng bộ quận đã xóa tên chín đảng viên và cho ra khỏi đảng tám trường hợp.
Tại các đảng bộ khác trực thuộc Thành ủy, công tác rà soát, sàng lọc đảng viên cũng được thực hiện nghiêm túc thông qua kiểm điểm, đánh giá xếp loại hằng tháng, năm; quản lý đảng viên và đặc biệt là thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Đơn cử, Đảng bộ thị xã Sơn Tây trong năm 2021 đã xóa tên 16 đảng viên không còn đủ tư cách. Năm 2021, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp của quận Đống Đa đã thi hành kỷ luật khai trừ một đảng viên, cảnh cáo một đảng viên...
Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW, đến nay, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc đã đưa ra khỏi Đảng 2.075 đảng viên, trong đó khai trừ 258 đảng viên, xóa tên 1.221 đảng viên. Điều đó có tác dụng răn đe và giáo dục rất tích cực. Phần lớn các đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, về chính sách, pháp luật của Nhà nước, về chế độ trách nhiệm, đạo đức, lối sống…
Tuy nhiên, từ thực tế tại một số nơi còn cho thấy, quá trình đánh giá, nhận xét, sàng lọc đảng viên ở các tổ chức Đảng còn có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm vì “tình làng, nghĩa xóm”, “họ hàng, dòng tộc”...
Rõ trách nhiệm cấp ủy
Nghiên cứu mới đây của Ban Tổ chức Thành ủy cũng đánh giá, hiệu quả công tác rà soát, sàng lọc đảng viên còn chưa cao, có nơi còn làm hình thức. Một số nơi chưa xây dựng kế hoạch hằng năm, tình trạng số đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm về tư cách, đạo đức, lối sống tăng... Trong khi, một số cấp ủy không nắm chắc số lượng đảng viên chưa chuyển sinh hoạt Đảng.
Từ đòi hỏi của thực tiễn nêu trên, Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng dự thảo Đề án “Rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng ở Đảng bộ thành phố Hà Nội”. Đây là một trong ba sản phẩm ứng dụng của Đề án khoa học “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội-thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” do Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo làm Chủ nhiệm.
Dự thảo Đề án gồm bốn phần, đặc biệt đã làm rõ 13 phương thức tiến hành rà soát đảng viên. Theo đồng chí Vũ Đức Bảo, dự thảo cũng đưa ra các tiêu chí, quy trình sàng lọc cụ thể nhằm phát hiện, đưa ngay những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng...
Đây là cẩm nang để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo rà soát, sàng lọc, đưa 26 đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Năm 2022, huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể về vấn đề này, trong đó nêu rõ, định kỳ trước ngày 25 của tháng cuối cùng trong quý, cấp ủy cơ sở rà soát, thống kê và báo cáo về Huyện ủy danh sách đảng viên biến động trong quý; sáu tháng/lần tiến hành đối khớp danh sách đảng viên của đảng bộ cơ sở với Ban Tổ chức Huyện ủy.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng, giải pháp dù đầy đủ đến mấy thì quan trọng phải là khâu thực hiện, nên mấu chốt vẫn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là vai trò của người đứng đầu. “Vì thế, cùng với việc triển khai đề án, chúng tôi sẽ tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát”, đồng chí Vũ Đức Bảo nói ■
Khải Lâm