Cụ thể, giá khí đốt đã tăng hơn 170%, giá điện tại một số thị trường tăng gần 2.700%, còn giá dầu tăng gần 30%.
Nhà phân tích người Séc Stepan Hajek của XTB cho biết, giá năng lượng hiện là vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới.
Theo ông, nguồn cung khí đốt bị cắt giảm cộng thêm lo ngại về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu đã đẩy giá năng lượng xanh tăng mạnh chưa từng có.
Chuyên gia Hajek dẫn chứng giá khí đốt trên thị trường giao dịch Hà Lan đã tăng 172% kể từ đầu năm 2022.
Còn ở Đức, khí đốt được coi là cầu nối để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giá điện cũng đang tăng mạnh.
Hợp đồng điện 1 năm tại Đức đã tăng 2.692% kể từ đầu năm. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 28,2%.
Chuyên gia Séc cho biết thêm, giá các mặt hàng nông sản cũng tăng mạnh kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine.
Nga và Ukraine nằm trong số những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, do đó, giá lương thực đã phản ứng trước sự không chắc chắn về nguồn cung.
Tuy nhiên, với những diễn biến thời gian qua, giá lúa mì đã hạ nhiệt với mức tăng 6,3% kể từ đầu năm.
Bên cạnh cuộc chiến ở Ukraine, tình hình thời tiết không thuận lợi ở nhiều khu vực trên thế giới cũng khiến giá nông sản tăng cao.
Thí dụ điển hình là giá cà phê đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua do hạn hán ở Brazil.
Ngược lại, giá kim loại quý và kim loại công nghiệp lại giảm do tác động từ sức mạnh của đồng USD.
Giá vàng đã giảm 7,5%, còn giá bạc giảm tới 23,1% kể từ đầu năm. Giá đồng, kim loại được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, cũng giảm tới 22,2% kể từ đầu năm.
Giám đốc Gold.plus Martin Stransky nhận định, giá vàng chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc tiếp tục tăng lãi suất và xu hướng mạnh lên của đồng USD.
Trong số các kim loại công nghiệp đáng chú ý, chỉ có giá palladium, kim loại được sử dụng trong ngành công nghiệp ô-tô và Nga là nhà cung cấp chủ yếu, tăng 14%.