Nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng ở châu Âu trước sức ép giá cả tăng cao

NDO - Theo Công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh), ngay cả các quốc gia giàu có ở châu Âu cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng trong mùa đông tới do giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao, với nhiều cuộc đình công và biểu tình vẫn đang diễn ra trên khắp châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Các công nhân tại cảng container Burchardkai ở Hamburg, Đức đình công và yêu cầu tăng lương, với biểu ngữ “Hãy ngăn chặn “con quái vật” lạm phát” phía sau, ngày 9/6/2022. (Ảnh: Reuters)
Các công nhân tại cảng container Burchardkai ở Hamburg, Đức đình công và yêu cầu tăng lương, với biểu ngữ “Hãy ngăn chặn “con quái vật” lạm phát” phía sau, ngày 9/6/2022. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo về chỉ số bất ổn xã hội do Verisk Maplecroft công bố ngày 2/9 cho thấy, hơn 50% trong số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã chứng kiến sự gia tăng về nguy cơ bất ổn xã hội trong khoảng thời gian từ quý II đến quý III/2022.

Cụ thể, trong số 198 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận nguy cơ gia tăng trong quý III/2022, số lượng lớn nhất kể từ khi công ty tư vấn rủi ro này công bố chỉ số trên vào năm 2016.

Chuyên gia phân tích Torbjorn Soltvedt của Verisk Maplecroft cho biết, Đức và Na Uy nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển đang gặp phải những gián đoạn đối với cuộc sống hàng ngày, với nhiều cuộc đình công của người lao động yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, như những gì đã diễn ra ở Anh vừa qua.

Chuyên gia này dự báo, đến mùa đông sắp tới, một số quốc gia phát triển ở châu Âu có thể chứng kiến ​​tình trạng trên diễn biến nghiêm trọng hơn.

Theo báo cáo, các quốc gia châu Âu có nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội cao nhất trong giai đoạn tới​​ bao gồm Bosnia và Herzegovina, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Mùa hè qua, công nhân ở nhiều nước châu Âu đã đình công, đòi hỏi mức lương cao hơn để giúp họ đối phó với lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ.

Hàng loạt các cuộc đình công ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đã khiến các lĩnh vực giao thông công cộng, đường sắt, y tế và hàng không gần như tê liệt ngay vào thời điểm mùa nghỉ hè bận rộn.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy giá lương thực tăng cao, đạt kỷ lục cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 vừa qua và 1 lần nữa phá kỷ lục hồi tháng 3. Giá năng lượng cũng tăng mạnh với châu Âu đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

Nhà phân tích trưởng Jimena Blanco của Verisk Maplecroft cho biết thêm, đại dịch Covid-19 cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng góp phần vào việc làm gia tăng nguy cơ bất ổn hiện tại.

Bên cạnh đó, hạn hán nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao.