Theo đó, kể từ ngày 1/9, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở như bệnh viện, nhà dưỡng lão, được duy trì nhiệt độ sưởi cao nhất 190C, nhưng toàn bộ hệ thống sưởi ở hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm. Ước tính, các biện pháp này có thể tiết kiệm cho các hộ gia đình, công ty và khu vực công khoảng 10,8 tỷ euro trong hai năm tới.
Bên cạnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới, Đức đang nỗ lực lắp đặt hai nhà ga tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ Biển Bắc để tăng cường dự trữ khí đốt cho những tháng mùa đông. Tình trạng thiếu khí đốt đang khiến các ngành công nghiệp Đức tạm thời chuyển sang sử dụng nhiều than và dầu hơn trong các quy trình sản xuất. Để bảo đảm an ninh nguồn cung, Đức cũng phải thay đổi các tuyến đường giao hàng, khiến các công ty logistics gặp khó khăn.
Dự kiến, những quy định mới sẽ áp dụng trong sáu tháng chủ yếu để giúp nền kinh tế Đức tránh nguy cơ bị gián đoạn trong mùa đông, thời điểm các hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi và nhu cầu năng lượng tăng cao. Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch kích hoạt lại hai nhà máy điện than nhằm tiết kiệm năng lượng khí đốt trong mùa đông tới.
Trong khi đó, Thụy Sĩ, quốc gia nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ nước ngoài, đã đặt mục tiêu tự nguyện tiết kiệm 15% lượng khí đốt sử dụng cho mùa đông tới khi châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt. Chính phủ Thụy Sĩ dự định yêu cầu giảm mức nhiệt sưởi ấm các tòa nhà, tắt máy tính và các thiết bị khi không cần thiết.
Bộ trưởng Công thương Séc, quốc gia đang đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết đang xem xét việc triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng Năng lượng châu Âu do vấn đề giá năng lượng tăng cao. Theo quan chức này, một trong những giải pháp được cho là khả thi để đối phó tình trạng khó khăn hiện nay là thiết lập mức giá năng lượng trần cho toàn EU.