Những ngày gần đây, thêm nhiều quốc gia châu Âu đối mặt tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Chính phủ Bắc Macedonia đã ban bố tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung năng lượng trên toàn quốc.
Trong một thông cáo báo chí, chính phủ nêu rõ lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và kéo dài trong 30 ngày, do tình trạng thiếu điện và căng thẳng nguồn cung trên thị trường điện. Trong khi nhiều quốc gia châu Âu đang cảm thấy như "ngồi trên đống lửa", tình hình tại Thụy Sĩ cũng ngày càng đáng lo ngại khi nước này thiếu các kho trữ khí đốt và các chuyên gia cảnh báo khả năng quốc gia này sẽ thiếu năng lượng vào mùa đông năm nay. Với việc Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho phần lớn châu Âu, mối đe dọa về tình trạng thiếu điện trầm trọng ngày càng rõ ràng với Thụy Sĩ.
Trước đó, vấn đề thiếu hụt năng lượng do nguồn cung từ Nga giảm mạnh cũng làm dậy sóng chính trường tại hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và gây ra bất đồng nghiêm trọng trong "đại gia đình" của liên minh này về kế hoạch trừng phạt Nga cũng như kế hoạch tiết kiệm năng lượng, tìm nguồn cung năng lượng mới…
Ðể ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu năng lượng cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, từ đầu tháng 8 vừa qua, EU đã thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. Kế hoạch "tiết kiệm khí đốt cho một mùa đông an toàn" này đã đưa ra đề xuất về một luật mới, cho phép EU có quyền buộc các quốc gia thành viên phải đáp ứng các mục tiêu cắt giảm trong trường hợp đặc biệt tùy thuộc vào mức tiêu thụ và dự trữ của mỗi nước. Tuy nhiên, hai nước Hungary và Ba Lan không thông qua kế hoạch trên.
Theo quy định mới, Ðức - nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Âu - sẽ phải tiết kiệm lượng khí đốt tiêu thụ nhiều hơn đáng kể so với các nước EU khác. Theo Ủy ban châu Âu (EC), từ đầu tháng 8/2022 cho đến tháng 3/2023, Ðức sẽ phải tiết kiệm khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tiêu thụ để có thể đạt mục tiêu mà các nước EU đã đề ra. Lượng khí đốt có thể tiết kiệm được ở Ðức tương đương mức tiêu thụ trung bình hằng năm của 5 triệu hộ gia đình 4 người. Ðây là một thách thức không nhỏ với chính phủ, người dân cũng như nền kinh tế "đầu tàu châu Âu".
Ðể bảo đảm nguồn cung năng lượng cho mùa đông giá lạnh sắp tới, Chính phủ Ðức mới đây thông báo thu phụ phí sử dụng khí đốt từ tháng 10/2022 đến ngày 1/4/2024. Ngoài ra, cũng như một số quốc gia châu Âu khác, Ðức đang nỗ lực tìm các nguồn cung khí đốt mới. Bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Ðức mới đây, Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz và người đồng cấp Canada Justin Trudeau đã thảo luận về khả năng xây dựng một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ biển phía đông của Canada để sớm xuất khẩu sang châu Âu và Ðức.
Khi các nỗ lực kể trên chưa giúp các nước châu Âu "bình an vô sự" trước mùa đông giá lạnh năm nay, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ họp khẩn trong ít ngày tới về vấn đề khủng hoảng năng lượng. Theo các hãng tin AFP và Reuters, ngày 26/8, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết Cộng hòa Séc - nước hiện là Chủ tịch luân phiên EU - sẽ đề xuất triệu tập cuộc họp khẩn để đối phó với vấn đề năng lượng nêu trên. Ðộng thái này diễn ra trong bối cảnh EU đang cố gắng "thoát Nga" về nguồn cung dầu và khí đốt, sau khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU không dễ để đưa ra được "lời giải thống nhất cho bài toán năng lượng" trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt hiện đã nghiêm trọng và khoét sâu bất đồng trong nội bộ EU. Sự thiếu hụt nguồn cung đang khiến một số thành viên EU sẵn sàng thực hiện chính sách bị coi là tiêu cực để bảo vệ lợi ích quốc gia mình, bởi muốn tích trữ khí đốt đủ dùng cho mình, một số nước có thể ngăn không cho khí đốt "chảy sang nước bên cạnh".
Trong khoảng một thập kỷ vừa qua, các nước EU đã đoàn kết vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư, đại dịch Covid-19 và hiện nay, một lần nữa cuộc khủng hoảng năng lượng đang thử thách bản lĩnh và tình đoàn kết của các quốc gia thuộc liên minh này.