ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu

NDO - Ngày 21/11 tại thủ đô Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 11 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hải Tiến)
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hải Tiến)

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Đại tướng Chansamone Chanyalath nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, là cầu nối cho hợp tác và đối thoại. Đánh giá thời gian qua, hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác ngày càng thực chất, Đại tướng Chansamone Chanyalath bày tỏ hy vọng ADMM+ lần thứ 11 tiếp tục là cơ hội để thúc đẩy hợp tác quốc phòng hiệu quả hơn nữa, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới. Nhân dịp này, Đại tướng Chansamone Chanyalath cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác dành cho Lào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024.

Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+); cập nhật tình hình hợp tác gần đây trong ASEAN; thông qua Tuyên bố chung chuyên đề của ADMM+ về biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine, cuộc xung đột Israel-Hamas, tình hình Myanmar, tình hình Bán đảo Triều Tiên…; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định.

Liên quan đến tình hình an ninh khu vực, các Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tiến trình Bali, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng trong khu vực.

Các nước đối tác khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác tại khu vực. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh biển, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Nhiều nước nhất trí cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nước, trong đó có Trung Quốc, bày tỏ mong muốn sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Những nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường của khu vực và thế giới” khi trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi mang tính thời đại.

ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu ảnh 1

Đại tướng Phan Văn Giang có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. (Ảnh: Trịnh Dũng)

Chủ đề “Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường” được nước Chủ tịch Lào đưa ra không chỉ phản ánh khát vọng chung về một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, mà còn là sự cam kết về trách nhiệm chung để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển đó. Khát vọng và trách nhiệm nặng nề đó cũng chính là lý do ADMM+ ra đời tại Hà Nội vào năm 2010. Qua 14 năm, ADMM+ với trung tâm là ASEAN, đã và đang chứng minh hiệu quả trong quản lý an ninh khu vực, thúc đẩy đối thoại và hợp tác ứng phó với các thách thức, đóng góp quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á; trở thành trụ cột về hợp tác quốc phòng-an ninh trong cấu trúc an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, hợp tác quốc phòng trong ADMM+ không ngừng được mở rộng, phát triển, đạt kết quả tích cực trên cả 7 lĩnh vực, trở thành hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới.

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác cần gắn với định hướng chiến lược của ASEAN, đặc biệt là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; tiếp tục đề cao vai trò trung tâm, khả năng dẫn dắt và tự chủ chiến lược của ASEAN, tôn trọng các nguyên tắc căn bản và giá trị cốt lõi của ASEAN, đó là hợp tác vì hòa bình, ổn định, cùng phát triển; làm sâu sắc thêm nội hàm các hoạt động hợp tác, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực chất để đưa ADMM+ thực sự trở thành một cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh quan trọng của khu vực và thế giới. “Với truyền thống hòa bình, hòa hiếu, “lấy chí nhân thay cường bạo”, Việt Nam cam kết đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung của ADMM+ nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển”, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định.

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc ở tất cả các quốc gia; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp, cam kết quốc tế, khu vực; không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia thành viên, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu để ADMM+ luôn là cầu nối, là điểm đến của đối thoại và hợp tác cho các bên.

Các đối tác cần tôn trọng vai trò trung tâm và các nguyên tắc của ASEAN khi tiến hành các hoạt động hợp tác ở khu vực. Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC chất lượng, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982. Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường ASEAN về Biển Đông, nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn coi trọng quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”.

Nhấn mạnh năm 2024 là năm chuyển giao giữa hai chu kỳ Nhóm chuyên gia ADMM+, Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên đối với Việt Nam và Nhật Bản, trong vai trò đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình chu kỳ 2021-2023. Cho biết Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới đây, Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng mời các vị lãnh đạo quốc phòng, quân đội và các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại thăm cũng như tham dự Triển lãm.

* Cùng ngày, Lễ bàn giao vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ đã được tổ chức trang trọng tại Vientiane. Theo đó, Bộ Quốc phòng Malaysia là Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong năm 2025.

* Sáng cùng ngày, bên lề ADMM+ lần thứ 11, Đại tướng Phan Văn Giang có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ song phương.

ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu ảnh 2

Đại tướng Phan Văn Giang tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. (Ảnh: Trịnh Dũng)

* Chiều cùng ngày, tại thủ đô Vientiane, Lào, cũng diễn ra Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc dưới sự đồng chủ trì của Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào và Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu ảnh 3

Quang cảnh Cuộc gặp. (Ảnh: Trịnh Dũng)

Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự cuộc gặp.

Thượng tướng Đổng Quân nhấn mạnh hợp tác quốc phòng Trung Quốc-ASEAN ngày càng thực chất, hiệu quả, đóng góp vào duy trì an ninh, ổn định, phát triển tại khu vực.

Tại cuộc gặp, các đại biểu đã điểm lại những thành tựu và kinh nghiệm thành công của hợp tác quốc phòng ASEAN-Trung Quốc, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm cũng như đề xuất phương hướng củng cố, thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc gặp, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh thời gian qua, hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và Trung Quốc được triển khai tích cực, hiệu quả. Trung Quốc luôn tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh do ASEAN dẫn dắt như ADMM+ và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), đề xuất nhiều hoạt động xây dựng lòng tin, năng lực với các quốc gia thành viên ASEAN, như Giao lưu các Viện Nghiên cứu quốc phòng ASEAN-Trung Quốc, Giao lưu Sĩ quan trẻ ASEAN-Trung Quốc, cũng như các hoạt động trong khuôn khổ Nhóm chuyên gia ADMM+. Với những kinh nghiệm đã có và nguồn lực của mình, ASEAN tin tưởng Trung Quốc và Brunei sẽ đảm nhiệm thành công vai trò đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình chu kỳ 2024-2027.

Để hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, thực sự đáp ứng được lợi ích của nhân dân và tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng hai bên cần tiếp tục những hoạt động củng cố sự tin cậy thông qua việc duy trì đối thoại, tham vấn cấp cao, cũng như các hoạt động hợp tác thực chất khác như trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin...

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam ủng hộ mở rộng Cơ sở hạ tầng đường dây liên lạc trực tiếp ASEAN với các đối tác, trong đó có Trung Quốc. Đây là bước đi phù hợp với định hướng quan hệ đối ngoại của ADMM, nhằm tăng cường sự tin cậy, chia sẻ thông tin, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu giữa các viện nghiên cứu quốc phòng và giao lưu sĩ quan trẻ, sĩ quan trung cấp, qua đó chia sẻ quan điểm, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hợp tác vì hòa bình, ổn định và tự cường khu vực.

Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá việc ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán COC thể hiện thiện chí và cam kết trong hợp tác cùng giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Việc sớm đạt được một COC thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982 là rất cần thiết.

*Bên lề Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc, Đại tướng Phan Văn Giang đã có cuộc gặp với Thượng tướng Đổng Quân. Hai Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, hiện thực hóa các nội dung hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất, nhằm góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định.

ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu ảnh 4

Đại tướng Phan Văn Giang đã có cuộc gặp với Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. (Ảnh: Trịnh Dũng)

*Chiều cùng ngày, Đại tướng Phan Văn Giang đã tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Australia và Lễ kỷ niệm 35 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc.

* Nhân dịp tham dự ADMM-18 và ADMM+ lần thứ 11 tại Vientiane, Đại tướng Phan Văn Giang đã có cuộc trao đổi bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun về hợp tác quốc phòng song phương.

* Cùng dịp này, Đại tướng Phan Văn Giang đã có cuộc gặp song phương với Thượng tướng Alexander Fomin, Thứ trưởng Quốc phòng Nga.

ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu ảnh 5

Đại tướng Phan Văn Giang đã có cuộc gặp song phương với Thượng tướng Alexander Fomin, Thứ trưởng Quốc phòng Nga.

Hai bên bày tỏ vui mừng chứng kiến quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng trong năm 2024. Nổi bật là duy trì tốt trao đổi đoàn các cấp; triển khai hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo, huấn luyện, quân y, hợp tác quân-binh chủng, truyền thông và thông tấn quân sự, lịch sử quân sự, pháp luật quân sự; duy trì phối hợp, tham vấn hiệu quả tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quốc tế về quốc phòng, nhất là ADMM+.

Nhấn mạnh vào tháng 12 tới đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2, Đại tướng Phan Văn Giang mong nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng như các doanh nghiệp quốc phòng của Nga.