Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, trên địa bàn có hơn 4.700 doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay có hơn 900 doanh nghiệp đang nợ các khoản bảo hiểm đối với người lao động với số tiền 197 tỷ đồng, thời gian nợ từ gần 1 tháng trở lên, cá biệt có doanh nghiệp nợ đến 5, 6 năm. Số nợ này tăng cao so cùng kỳ năm 2022 và quy định.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, Nguyễn Thị Quỳnh Hương lý giải: Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế tỉnh Thái Nguyên có độ mở cao, bị ảnh hưởng bởi lạm phát của nhiều nước là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, xung đột trên thế giới ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, làm cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn.
Nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp bảo hiểm cho người lao động của nhiều chủ doanh nghiệp còn hạn chế, chây ỳ, cố tình chậm nộp, nợ bảo hiểm, thậm chí còn có tình trạng gửi tiền bảo hiểm của người lao động vào ngân hàng để lấy lãi.
Mặt khác, nhiều người lao động không biết mình bị chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm, nể nang, không đấu tranh, hoặc không dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Xử lý việc nợ bảo hiểm kéo dài, chây ỳ của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, chế tài xử lý chưa rõ.
Bị chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Chị Dương Thị Ca ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình ngậm ngùi: “Tôi làm việc cho một doanh nghiệp phụ trợ, đến khi thai sản không được thanh toán chế độ thì mới biết mình bị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài”.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 900 doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm với số tiền gần 200 tỷ đồng, có nguy cơ làm cho khoảng 48 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó quyền lợi của khoảng 5.700 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, thời gian vừa qua các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng nợ đọng các khoản bảo hiểm như tạo thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tuyên truyền vận động; chỉ đạo kiểm tra, thanh tra xử lý doanh nghiệp; công khai doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm.
Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền lợi của bảo hiểm xã hội cho nữ công nhân được tỉnh Thái Nguyên được thực hiện trong năm 2023. |
Tuy nhiên, giải pháp khắc phục và biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài được cho là chưa thật hiệu quả và chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên mới chuyển hồ sơ việc Nhà máy Cán thép Gia Sàng, một đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài, đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay sang cơ quan pháp luật và đây là vụ việc duy nhất được chuyển cơ quan pháp luật trong vài năm gần đây.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, kéo giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho rằng, thời gian tới các cơ quan chức năng trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng các giải pháp một cách quyết liệt, đồng thời cần nghiêm khắc xử lý, chuyển cơ quan công an xem xét những chủ doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm kéo dài, số lượng lớn, cố tình không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động.