Hơn 1,1 triệu người lao động bị ảnh hưởng vì chậm đóng BHXH
Thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1/2023, mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động (NLĐ) tăng bình quân xấp xỉ 6%, qua đó đã hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn; thu nhập bình quân của NLĐ là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, NLĐ phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao, nhất là với những NLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX).
Về vấn đề nhà ở của NLĐ tại các KCN, hiện nay dự án nhà ở của TP Hà Nội chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của NLĐ, còn lại hơn 70% số NLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Do vậy, NLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá mua phù hợp để an cư lập nghiệp.
Cũng theo ông Lê Đình Hùng, đến nay, số người tham gia BHXH trên địa bàn Hà Nội tăng 7,8% so với năm 2022, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn xảy ra nhiều, gây ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ. Tính đến tháng 8/2023, có hơn 83 nghìn đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ hai tháng trở lên với số tiền hơn 5.300 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của hơn 1,1 triệu NLĐ.
Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề cập việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Các cử tri bày tỏ sự ủng hộ đề xuất sửa đổi này, khi cho rằng, đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, theo cử tri, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm dẫn tới việc mức lương hưu của NLĐ cũng thấp, sau này NLĐ cũng không bảo đảm mức sống tối thiểu. Do vậy, số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện dựa trên các thông số tài chính, xã hội, lao động, con người…
Bên cạnh đó, các cử tri cũng đề nghị xem hành vi nợ BHXH như hành vi trốn thuế, từ đó có phương pháp xử lý tương ứng nhằm khắc phục tình trạng này và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Ngoài ra, liên quan đến Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội, giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, lạm phát giá nhà, bảo đảm tính công bằng trong việc phân phối nhà ở cho người dân, tính khả thi của chính sách nhà ở xã hội, giúp người dân có điều kiện mua nhà với giá hợp lý.
Người lao động mong muốn có căn nhà để ổn định cuộc sống. Ảnh: BẮC SƠN |
Gỡ vướng để Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện nợ BHXH
Theo ông Phan Nghiêm Long (Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Quy định của Luật BHXH về Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ chưa thật sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, tại điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện còn vướng mắc do các quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện trong các luật liên quan còn chưa thống nhất.
Cụ thể, để khởi kiện một vụ án vi phạm pháp luật về BHXH ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, tổ chức Công đoàn phải có giấy ủy quyền của từng NLĐ; phải qua thủ tục hòa giải của Chủ tịch UBND cấp huyện. Nhưng trên thực tế, việc tổ chức Công đoàn đi lấy hết ý kiến ủy quyền của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn NLĐ là khó khả thi và cũng ít có Công đoàn cơ sở nào đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động của chính họ. Về phía NLĐ, một bộ phận NLĐ cũng không dám ủy quyền để kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần việc làm. Còn phía người sử dụng lao động luôn trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.
Do đó, để quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ thật sự đi vào thực tế, đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung này và kiến nghị Quốc hội sửa đổi cho phù hợp.
Trao đổi ý kiến về vướng mắc này, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Công ty luật Hừng Đông cho rằng: Đây là vướng mắc lớn nhất, là sự bất cập, chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật. Theo luật sư Huế, hiện, việc khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của bốn đạo luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng bốn luật này đang quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Cụ thể, có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là Công đoàn có quyền khởi kiện.
Cạnh đó, việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho Công đoàn cơ sở (vì xác định đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền) là không phù hợp thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Đồng thời, theo Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn.
Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự) thì để tổ chức Công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Bởi kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền thì lúc đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, tòa án sẽ phải xét xử mỗi một NLĐ bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp NLĐ cũng gặp trở ngại khi mà họ đã chuyển đi làm ở những doanh nghiệp hoặc địa phương khác”, luật sư Nguyễn Danh Huế nêu.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Không nên đặt vấn đề ủy quyền khi Công đoàn khởi kiện đòi quyền lợi BHXH cho NLĐ. Theo ông Hiểu, đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi kiện thì phải do NLĐ ủy quyền, chúng tôi kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ. Vì vậy, với Công đoàn không nên đặt ra vấn đề ủy quyền. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn NLĐ, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.