Vĩnh Phúc quyết liệt xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội

Với nhiều giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, Vĩnh Phúc đã làm giảm sâu tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với tỷ lệ chung toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các doanh nghiệp tham gia đối thoại định kỳ về chế độ bảo hiểm xã hội.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia đối thoại định kỳ về chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngay từ đầu năm 2023, bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện phân tích đơn vị nợ, phân loại nợ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình nợ và phối hợp các sở, ngành để đôn đốc thu nợ. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 255 đơn vị nợ số tiền 91 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2% nợ đọng, mức rất thấp so với tỷ lệ chung toàn quốc.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Duy Phương cho biết: Tổng thu toàn tỉnh xấp xỉ 6.500 tỷ đồng một năm, chủ yếu từ các doanh nghiệp. Thời gian qua, bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, như: Phân công cán bộ đối chiếu, đôn đốc; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; giao dự toán thu, chi từng tháng, quý; bám sát các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc thu, thực hiện trích nộp tiền đúng đủ, kịp thời.

Bảo hiểm xã hội tỉnh phân công cán bộ theo dõi tình hình sức khỏe doanh nghiệp hằng tháng, nhất là những doanh nghiệp có số thu lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn các bước cần thiết nhằm giảm tình trạng nợ thấp nhất.

Cơ quan này cũng chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan tư pháp tiến hành thanh tra liên ngành, xử lý các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nghiêm khắc, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm, lợi dụng chính sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Vĩnh Phúc quyết liệt xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội ảnh 1

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc giải đáp ý kiến của doanh nghiệp.

Đối với các đơn vị thông báo hai lần không thực hiện nộp tiền thì mời lên làm việc và cam kết lộ trình trả nợ; nếu vẫn không thực hiện thì chuyển sang thanh tra đột xuất.

6 tháng đầu năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 130 đơn vị, trong đó thanh tra đột xuất 28 đơn vị; kiến nghị truy thu, thu hồi gần 1,4 tỷ đồng; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị xử phạt 3 đơn vị với số tiền 75,3 triệu đồng; thu hồi hơn 10,7 tỷ đồng nợ đọng tại các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi thông tin với Cục Thuế tỉnh về tình hình hoạt động đối với đơn vị mới thành lập, qua đó, rà soát các đơn vị chưa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội; phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị sử dụng lao động.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác quản lý thu, ông Nguyễn Duy Phương nêu rõ: Có một số đơn vị nợ kéo dài, khó đòi do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. Một số doanh nghiệp thuê địa điểm, nhà xưởng và liên tục thay đổi địa chỉ, rất khó gặp chủ sử dụng lao động, không lập được biên bản vi phạm. Dự kiến từ nay đến hết năm 2023, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội có khả năng phức tạp hơn do kinh tế khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ chính sách pháp luật về tiền lương, hợp đồng lao động và kê khai đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, gây ra nhiều khó khăn cho công tác thu hồi tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Do pháp luật chưa quy định cụ thể về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội rất khó phối hợp xử lý các doanh nghiệp vi phạm theo Bộ luật Hình sự. Đến nay, tỉnh chưa khởi tố được trường hợp nào.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc cho thấy: Hiện nay có 64 đơn vị (sử dụng 345 lao động) đã phá sản, giải thể, cơ quan bảo hiểm xã hội tìm đến làm việc nhiều lần nhưng không liên hệ được chủ sử dụng lao động. Tổng số tiền nợ của 64 doanh nghiệp này là 19,19 tỷ đồng.

Đó là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc nợ 184 tháng, số tiền nợ là 7,4 tỷ đồng; Công ty TNHH KV - Electronics nợ 51 tháng số tiền 2,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Vĩnh Phúc nợ 93 tháng, với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Vĩnh Phúc quyết liệt xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội ảnh 2

Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc ra quân tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Một số đơn vị vẫn đang hoạt động nhưng có số nợ cao và nguy cơ rơi vào tình trạng nợ khó đòi, gồm: Công ty TNHH SY Vina nợ 30 tháng số tiền 11,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc nợ 25 tháng, số tiền 6,39 tỷ đồng; Công ty cổ phần FLC Travel nợ 27 tháng số tiền xấp xỉ 4,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bê tông Bảo Quân Vĩnh Phúc nợ 27 tháng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Khoáng sản & CK - Nhà máy cơ khí 2 MIMECO nợ 101 tháng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Tam Đảo nợ 28 tháng số tiền hơn 1,34 tỷ đồng ...

Đối với những doanh nghiệp này, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. Tháng 4/2023, một người lao động đóng bảo hiểm tại Công ty cổ phần Vận tải ô-tô Vĩnh Phúc chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, song do Công ty không đóng nối bảo hiểm y tế nên người này không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Mặc dù cán bộ bảo hiểm xã hội tỉnh nỗ lực hỗ trợ, song do quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động phải chịu thiệt thòi.

Để bảo đảm chế độ tốt nhất cho người lao động, bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của người lao động và chủ sử dụng lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, duy trì số điện thoại tư vấn, hỗ trợ trực tiếp trong giờ hành chính; công khai các đơn vị có số nợ lớn.