Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước khoảng 14.650 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 4.164 tỷ đồng không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp trốn ra nước ngoài.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 10/2023, có 17.742 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở lên. Trong 10 tháng năm 2023, Bảo hiểm xã hội thành phố đã xử phạt vi phạm hơn 8 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội ngày càng trầm trọng hơn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, chế tài xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe. Trong khi hằng tháng, người sử dụng lao động đều khấu trừ tiền lương của người lao động các khoản bảo hiểm, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng khoản này cho cơ quan bảo hiểm.
Hệ lụy là người lao động phải chịu thiệt đơn thiệt kép, mất đi rất nhiều quyền lợi chính đáng lẽ ra phải được hưởng khi xảy ra các rủi ro như tai nạn lao động, ốm đau, thôi việc, nghỉ việc. Kể cả khi người lao động chuyển việc đến nơi khác cũng khó khăn hơn khi làm thủ tục đóng bảo hiểm vì không có cơ sở xác định người lao động đã tham gia đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Để ngăn ngừa nợ bảo hiểm xã hội, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều biện pháp chế tài để tăng tính răn đe hành vi vi phạm, như thêm chức năng khởi kiện cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội từ sáu tháng trở lên; ban hành quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội; cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự khi doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội...
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 23/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng tình quan điểm tăng mạnh các biện pháp chế tài như đã nêu trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), kiên quyết xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý giúp ngăn chặn, xử lý tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Thời gian gần đây, theo đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã công khai rộng rãi danh sách các doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đây là giải pháp để các doanh nghiệp nghiêm túc hơn trong việc thực thi nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo luật định.