Đừng để người dân mất niềm tin vào thực phẩm an toàn

Với một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về thực phẩm an toàn là rất lớn. Ðây là vấn đề luôn được quan tâm khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn thực phẩm bẩn, thiếu kiểm soát vẫn đi vào thành phố bằng đường "chính ngạch" khiến không ít người dân luôn thấp thỏm, bất an.
0:00 / 0:00
0:00

Một công bố mới đây của Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khiến không ít người dân giật mình. Nhiều trong số các mẫu sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi đi kiểm tra đã ghi nhận có tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có thể kể đến một số hoạt chất độc hại như: Carbendazim, Permethrine, Cypermethrine,... phát hiện trên các sản phẩm rau, quả; thủy, hải sản,... Trong đó, hoạt chất Carbendazim (trị nấm), Permethrine (thuốc trừ sâu) sử dụng trong trồng trọt và bảo quản các loại hạt.

Người sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cho phép nhưng với dư lượng lớn vẫn có thể gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Với nhóm kim loại nặng, những chất độc tích tụ gây rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng gan, thận. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, có 271 trong tổng số 570 (chiếm tỷ lệ 47,54%) mẫu rau quả và trái cây phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; trong đó 58 mẫu (tỷ lệ 10,2%) không nằm trong danh mục cho phép, 20 mẫu (tỷ lệ 3,5%) vượt mức giới hạn cho phép.

Với dân số hơn 10 triệu người, nhu cầu về lương thực, thực phẩm hằng ngày của thành phố là rất lớn (gạo gần 1.980 tấn/ngày, rau củ quả khoảng 4.200 tấn/ngày,...). Việc Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công bố con số về tỷ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật được xem là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn thực phẩm không an toàn mà thành phố đối mặt nhiều năm qua. Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn khi thực phẩm bẩn sẽ gây nên những hệ lụy rất khó lường đối với sức khỏe mà hệ quả của nó sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí là nhiều thế hệ.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố chung quanh trong việc kết nối để sản xuất, nuôi trồng các nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tuy vậy, nhiều hạn chế trong quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giá cả cạnh tranh giữa các mô hình nuôi, trồng khiến thực trạng sử dụng hóa chất độc hại vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương.

Ðể ngăn chặn và từng bước làm sạch nguồn cung thực phẩm vào Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp liên kết, kiểm tra từ gốc để triển khai các chuỗi thực phẩm an toàn. Xa hơn, các chợ đầu mối hiện nay không chỉ là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa mà cần tính đến giải pháp trở thành kênh trung chuyển hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu, có chứng nhận từ các nhà sản xuất.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải siết chặt việc đăng ký thuốc, kiểm soát việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tiếp tục rà soát danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để loại bỏ các loại thuốc độc hại, tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường. Các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân, hợp tác xã tham gia các mô hình nuôi trồng theo các tiêu chuẩn an toàn.