Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam

Ở những vùng núi, biên giới tỉnh Quảng Nam, bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác ở thôn, nóc xa xôi, giao thông cách trở. Vì thế công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin kiến thức đến với bà con gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Đưa thông tin, kiến thức, kỹ năng bằng hình thức sân khấu hóa đến với bà con vùng cao.
Đưa thông tin, kiến thức, kỹ năng bằng hình thức sân khấu hóa đến với bà con vùng cao.

Để đưa thông tin, kiến thức, kỹ năng đến tận cơ sở một cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang mở rộng nhiều hoạt động truyền thông, sáng tạo qua những hình thức khác nhau. Qua đó, đưa thông tin đến với phụ nữ, trẻ em bản làng ở biên giới, góp phần trang bị kỹ năng, thay đổi nhận thức giúp đồng bào vùng cao, biên giới xa xôi.

Truyền thông đến với phụ nữ vùng biên giới

Nắng gắt những ngày tháng 7 không làm cho bà con đồng bào xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang với niềm vui dịp hội họp cùng nhau. Hơn 100 phụ nữ Cơ Tu, Tà Riềng ở hai xã La Dêê và Đăk Tôi cùng rộn ràng với hội thiMô hình sáng tạo trong xóa bỏ định kiến, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em".

Những kiến thức, thông tin mới về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, luật Biên phòng Việt Nam, luật Bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống… lồng ghép cùng tiểu phẩm, trình diễn trang phục theo hình thức sân khấu hóa xen lẫn tiếng cười vui của chị em phụ nữ miền núi cao này.

Nhiều tiểu phẩm được dàn dựng khá công phu, thể hiện được tinh thần trách nhiệm, bày tỏ tình cảm, yêu thương của phụ nữ trong những vấn đề cấp thiết về bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc.

Hiểu biết kiến thức, kỹ năng, chị em phụ nữ xã La Dêê và xã Đăk Tôi thể hiện chính kiến về định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ dân tộc thiểu số và trẻ em gái trong gia đình cũng như thôn, xã...

Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam ảnh 1

Những kiến thức, thông tin mới được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang lồng ghép qua các cuộc thi.

“Vui cùng chị em các hoạt động này tôi thích vì mình biết thêm thông tin để tự bảo vệ mình, gia đình con cái nữa. Cũng xem ti-vi, nghe đài nhưng các chị phụ nữ tổ chức mình tham gia trực tiếp vui hơn”, chị A Lăng Lun bày tỏ.

Cùng với hoạt động hội thi, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang tiếp tục xây dựng Tổ truyền thông cộng đồng ở thôn Đăk Ốc, xã La Dêê.

Với 10 thành viên ban đầu, tổ truyền thông cộng đồng chia sẻ, tuyên truyền bà con Tà Riềng thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế; xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu như tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống; thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đồng bào thiểu số…

Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam ảnh 2

Tổ truyền thông cộng đồng thôn, xã góp phần đưa thông tin, chính sách về với nhân dân.

Chị Brao Thị Miên chia sẻ "Chị em trên xã và tổ cộng đồng nói chuyện, chia sẻ thông tin và giải thích rõ nên chúng tôi hiểu nhiều hơn. Các thông tin về làm ăn, trồng trọt, tảo hôn, nghĩa vụ quân sự cho con cái… Chúng tôi được nghe thường xuyên nên nhớ kỹ hơn, hiểu biết để bảo vệ mình và gia đình".

Xã biên giới La Dee giáp với huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ các loại tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người… Vì vậy, Tổ truyền thông cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động bà con dân tộc thiểu số trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, giữ vững sự bình yên vùng biên giới.

Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam ảnh 3

Đa dạng các hình thức truyền thông và gìn giữ văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân miền núi

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các hội, thể ở cơ sở triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền.

Với cán bộ phụ nữ ở các xã vùng cao biên giới, họ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân vùng cao. Nhiều huyện miền núi tỉnh Quảng Nam tập trung đưa chính sách bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực... đến từng hộ dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân miền núi.

Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam ảnh 4

Hướng dẫn kỹ năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

“Tổ truyền thông cộng đồng hay các hoạt động truyên truyền đều đưa về tận thôn, làng và đến với từng nhà, từng người dân. Hoạt động thường xuyên hiệu quả cao, tác động đến ý thức bà con và hướng đến phát triển, tiến bộ hơn”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Pơ, huyện Nam Giang A Lăng Oanh khẳng định.

Huyện Nam Giang có 12 xã thị trấn, trong đó có hơn 10 nghìn hội viên phụ nữ và trẻ em gái tuổi từ 16 trở lên. Toàn huyện hiện có 9 tổ truyền thông cộng đồng ra mắt, với gần 100 thành viên tham gia. Các tổ truyền thông cộng đồng góp phần tuyên truyền, hòa giải, cung cấp thông tin, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam ảnh 5

Những tiểu phẩm mang đậm nét văn hóa vùng cao.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, vận động đến từng thôn, từng nhà với các hình thức phong phú giúp bà con dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao biên giới huyện Nam Giang nói riêng và tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển.

Đưa thông tin đến với phụ nữ vùng biên giới tỉnh Quảng Nam ảnh 6

Tăng cường thông tin, kỹ năng hướng đến xóa bỏ các hủ tục ở vùng núi, biên giới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang A Rất Thị Hoa cho biết: Đưa thông tin, truyền thông tiếp cận đến chị em phụ nữ, bà con nhân dân nhằm nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ra khỏi cộng đồng làng. Đồng thời, phát huy những văn hóa, luật tục tốt đẹp của từng dòng họ thôn bản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức góp phần thay đổi dần nhận thức của bà con Cơ Tu, Ve, Tà Riềng giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.