Đưa nghệ thuật biểu diễn thành động lực phát triển công nghiệp văn hóa

Cùng với du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn tạo thành “bộ ba” lĩnh vực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như:
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội là cái nôi của ca trù, nhưng ca trù vẫn chưa có nhiều đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Hà Nội là cái nôi của ca trù, nhưng ca trù vẫn chưa có nhiều đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa.

Ca trù, múa rối, tuồng, chèo… hay các sản phẩm công nghiệp văn hóa hình thành từ khai thác giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Song, hiện nay, ngoại trừ một số đơn vị có sản phẩm hấp dẫn, các sản phẩm khác đều manh mún, chưa phát huy hiệu quả. Điều này đòi hỏi thành phố sớm có giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này.

Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó, có nhiều di sản là các loại hình nghệ thuật biểu diễn: Ca trù, múa rối, tuồng, chèo, hát xẩm... hoặc nghệ thuật biểu diễn là yếu tố quan trọng cấu thành nên di sản như: Hát chèo tàu ở Tân Hội (Đan Phượng), Lễ hội Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm), hát múa Ải Lao ở Phúc Lợi (quận Long Biên), hát dô ở Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai)..., đây chính là tài nguyên quan trọng để phát triển các sản phẩm văn hóa. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nhiều đơn vị nghệ thuật trực thuộc như:

Nhà hát Cải lương, Nhà hát Chèo, Nhà hát Kịch, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long... Tuy nhiên, nếu “điểm danh” những sản phẩm công nghiệp văn hóa từ nghệ thuật biểu diễn có thể thấy độ “vênh” rất lớn so với tiềm năng.

Hà Nội là cái nôi của nghệ thuật ca trù. Môn nghệ thuật này được hồi sinh mạnh mẽ tại Thủ đô, nhưng chỉ có vài câu lạc bộ, giáo phường có hoạt động thường xuyên. Hà Nội có năm phường múa rối, gồm: Đào Thục (Đông Anh), Bình Phú, Chàng Sơn, làng Yên (Thạch Thất) và Tế Tiêu (Mỹ Đức) thì có bốn phường hầu như đóng cửa quanh năm, thi thoảng biểu diễn theo đặt hàng của chính quyền. Các loại hình nghệ thuật như:

Chèo tàu, hát dô... đều chưa hình thành sản phẩm phục vụ khách. Năm 2023, các nghệ nhân tại xã Phù Đổng đã xây dựng sản phẩm trích đoạn từ Lễ hội Gióng để khai thác du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm này mới ở giai đoạn chào hàng, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa quan tâm, đưa khách về thưởng thức. Một di sản độc đáo khác, đậm đặc “chất” nghệ thuật biểu diễn là hát múa Ải Lao thì đang gặp khó khăn trong duy trì. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Hinh (Câu lạc bộ Hát múa Ải Lao) cho biết: “Trong các loại hình nghệ thuật cổ của người Việt, Ải Lao là những điệu hát, điệu múa cổ và hiếm, còn được lưu giữ đến ngày nay.

Tuy nhiên, hiện nay, các nghệ nhân đều từ 50, 60 tuổi trở lên, gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển, nhất là việc truyền dạy cho thế hệ sau”. Hiện nay, chỉ có một số sản phẩm, đơn vị khai thác hiệu quả như: Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ tại Khu du lịch Tuần Châu - Quốc Oai, Nhà hát Múa rối Thăng Long, phường rối nước Đào Thục... và một số hoạt động biểu diễn tại các không gian đi bộ…

Để có những sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, thí dụ như Tinh hoa Bắc Bộ thì cần phải có đầu tư. Thực tế cho thấy, không phải đơn vị nào cũng có nguồn lực dồi dào, trong khi đó, thành phố vẫn chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích các đơn vị đầu tư tạo ra các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn tương xứng, nhất là đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Tiếp sau đầu tư sản phẩm là vấn đề khai thác. Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành-Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Tính kết nối của sản phẩm với các lĩnh vực khác của chúng ta chưa cao. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần tăng cường kết nối du lịch và kết nối với giáo dục. Thí dụ, các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị nghệ thuật có thể kết nối xây dựng tour thăm làng cổ Đường Lâm và xem vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Đơn vị nghệ thuật có thể kết nối với các trường học tổ chức cho học sinh xem các chương trình biểu diễn, tương tác với nghệ sĩ, trải nghiệm làm các vật dụng. Việc kết nối với các trường học là một hướng đi hiệu quả để học sinh tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và sau này có những hoạt động sáng tạo về nghệ thuật”.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Nguyễn Lệ Quyên thì cho rằng: “Để tạo dựng các chương trình có doanh thu, có khán giả thì các sân khấu biểu diễn nên định vị lại đối tượng công chúng, từ đó có chiến lược quảng bá, xây dựng chương trình phù hợp. Ngoài ra, việc truyền dạy cần mang tính khơi gợi, kích thích sáng tạo đối với lớp trẻ”.

Đối với nhóm các nhà hát chuyên nghiệp, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Trên thế giới đã có không ít sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế đặc sắc thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế. Lợi nhuận của chúng đến từ nguồn thu trực tiếp như bán vé, các nguồn tài trợ sản phẩm cho sự kiện, các công tác truyền thông quảng bá thương hiệu... và nguồn thu gián tiếp từ hệ thống các dịch vụ kèm theo, các lĩnh vực có liên quan.

Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những chương trình mang tầm cỡ quốc tế trên cơ sở huy động và sử dụng nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế, nguồn lực tài chính và nguồn lực tài nguyên, nguồn lực nhân sự và nguồn lực cơ sở hạ tầng”.