Đền nằm trên một quả đồi thấp, bao quanh là hàng trăm cây lim và các cây cổ thụ, bốn mùa xanh tươi; được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mang đậm bản sắc kiến trúc phương Đông, chung quanh là tường đá ong rêu phong. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật, đồ thờ quý như: Khám thờ cao 3m có bài vị Đức Quốc Mẫu, ngai Tam vị gồm Đức Thánh và hai người em, bốn pho tượng tứ trấn, 18 đạo sắc phong, 47 đôi câu đối, 18 bức hoành phi, hai tấm bia đá...
Các hạng mục trong đền được xây dựng tu bổ qua các thời kỳ khác nhau, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Xứ Đoài có hơn 200 điểm di tích thờ Đức Thánh gắn với các lễ hội đặc sắc. Trong đó lễ hội Đền Và ở thị xã Sơn Tây là lễ hội lớn nhất trong vùng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Mỗi năm lễ hội Đền Và được tổ chức hai lần, gồm lễ tháng Giêng, từ ngày 14 đến 17 tháng Giêng và lễ hội Đả ngư vào ngày 15/9 (âm lịch). Trong đó, lễ hội tháng Giêng được tổ chức long trọng.
Theo thông lệ, cứ ba năm một lần, vào các năm Tý-Ngọ-Mão-Dậu, thì chính quyền và nhân dân lại tổ chức lễ chính. Tâm điểm của lễ hội Đền Và là lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị từ Đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây và đưa qua sông Hồng sang Đền Ngự Dội (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để tế lễ.
Quá trình đoàn rước kiệu từ sân đền qua các khu phố của thị xã Sơn Tây, các nhà và các đình nằm trên tuyến đường kiệu đi qua, đều sắp sửa mâm lễ để nghênh kiệu; trẻ nhỏ, người lớn tranh thủ chui qua kiệu để lấy phước, cầu may. Tại các ngã ba, ngã tư đường phố, đoàn rước tiến hành nghi lễ quay kiệu. Với những giá trị văn hóa lịch sử quý báu, di tích Đông Cung (Đền Và) đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1964. Lễ hội ở Đền Và cũng được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.
Sau gần hai năm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, di tích Đền Và đã mở cửa trở lại, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban tổ chức lễ hội Đền Và Xuân Quý Mão 2023 để tổ chức lễ hội, bảo đảm an toàn về mọi mặt, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hiến của quê hương, tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư chung tay quản lý, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa quý báu mà các bậc tiền nhân đã để lại.
Tuy nhiên, để công tác phát huy giá trị di tích trong giai đoạn tới đạt kết quả tốt hơn nữa, cần một số giải pháp phải thực hiện đồng bộ như: Công tác xúc tiến, quảng bá về các giá trị của di tích; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn di tích hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả hơn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để thu nhập và tiếp nhận các thông tin hữu ích liên quan đến tín ngưỡng thờ Đức Thánh cũng như các sự kiện liên quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội mang yếu tố truyền thống, ý nghĩa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn công đức.