Động lực cho hợp tác xã vươn xa trên thị trường

Thực tế ở tỉnh Ninh Bình cho thấy, khi thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các hợp tác xã, việc sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường đều được nâng cao, qua đó tạo động lực cho hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm mật ong Cúc Phương (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm mật ong Cúc Phương (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ở huyện Yên Khánh, Hợp tác xã công nghệ cao Khánh Cư là đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong sản xuất. Cụ thể là ứng dụng công nghệ IoT, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau quả an toàn; cùng với nâng cấp nhà lưới, mái vòm, hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, hợp tác xã “số hóa” quy trình sản xuất rau an toàn. Trong đó, hệ thống IoT có khả năng đo đạc các chỉ số về đất, không khí, nhiệt độ trong khu sản xuất và hiển thị trên bảng điều khiển để có thể điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn, từng loại rau quả trong quy trình trồng trọt.

Bà Hoàng Thị Liên, xã viên Hợp tác xã công nghệ cao Khánh Cư cho biết, từ khi áp dụng hệ thống IoT vào sản xuất, người nông dân đỡ vất vả hơn; giảm được chi phí đầu vào do tiết kiệm nhân lực, nước, phân bón; giá trị sản phẩm cũng cao hơn do sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, được bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng; sản phẩm dưa vàng “Hoàng Hậu” còn được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Tại thành phố Ninh Bình, việc ứng dụng IoT vào quy trình sản xuất cũng mang lại hiệu quả tại Hợp tác xã Riti, chuyên sản xuất trà hoa cúc chi hữu cơ. Để sản phẩm trà hoa cúc chi đạt chứng nhận hữu cơ, hợp tác xã phải có nguồn phân giun đủ đáp ứng cho những cánh đồng nguyên liệu hoa cúc chi. Nhờ xây dựng hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm kết hợp với hệ thống IoT dành cho xưởng sản xuất phân giun, việc nuôi giun thuận lợi hơn, hợp tác xã đã mở rộng từ nuôi 1.500 khay lên 3.000 khay, chủ động kiểm soát được chất lượng và sản lượng phân bón, đáp ứng đủ cho khu vực canh tác. Đáp ứng đủ các tiêu chí hữu cơ, sản phẩm Trà hoa cúc chi đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; khách hàng tin dùng, thị trường tiêu thụ nhờ đó được mở rộng.

Cùng với các hợp tác xã nêu trên, ở thành phố Tam Điệp, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp là đơn vị đi đầu ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Ông Tống Duy Hiển, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Năm 2020, sản phẩm Trà xanh Tâm An Nguyên của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao; do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn, hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thay thế cho cách bán hàng truyền thống. Thông qua các hình thức quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cũng như qua hệ thống thương mại điện tử, khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và đặt hàng để được giao hàng tận nơi.

Đặc biệt, các sản phẩm đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Việc đẩy mạnh giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã vượt qua được giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình Bùi Đức Ngọc, đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 336 hợp tác xã (chiếm khoảng 70% tổng số hợp tác xã của tỉnh) ứng dụng công nghệ số vào một trong các hoạt động quản lý, sản xuất hoặc quảng bá sản phẩm. Trong đó, có khoảng 50% số hợp tác xã ứng dụng trong hoạt động quản lý, điều hành như: sử dụng chữ ký số, phần mềm kế toán; khoảng 30% số hợp tác xã ứng dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… cho hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; khoảng 20% số hợp tác xã ứng dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc như thiết bị IoT điều hành tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, thiết bị sản xuất chế biến theo mô hình chuỗi và sử dụng các phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc...

Việc chuyển đổi số, nhất là tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử đã giúp thúc đẩy tăng doanh số bán hàng cho các hợp tác xã; tính trung bình năm 2023, doanh thu ước đạt 1.860 triệu đồng/ hợp tác xã, lợi nhuận bình quân ước đạt 160 triệu đồng/hợp tác xã.

Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình Bùi Đức Ngọc cho biết thêm: Để giúp các hợp tác xã thích ứng việc chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để hợp tác xã thật sự phát huy vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc chuyển đổi số trong hợp tác xã ở tỉnh Ninh Bình hiện còn nhiều khó khăn. Trong đó, “rào cản” lớn nhất là năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã nói chung còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Phần lớn các hợp tác xã đều có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Để khắc phục, Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình sẽ bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã trong hoạt động chuyển đổi số, tìm cách tháo gỡ. Trong năm 2024, Liên minh hợp tác xã tỉnh sẽ đưa nội dung tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số vào chương trình của 10 lớp tập huấn cho khoảng 800 thành viên các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho 15 hợp tác xã; hỗ trợ các giải pháp IoT trong hoạt động sản xuất cho bảy hợp tác xã.

Bên cạnh đó là hỗ trợ xây dựng website cho hợp tác xã có nhu cầu; hỗ trợ hướng dẫn cho các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp, như ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP; triển khai thí điểm các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ số để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.