Đông Anh đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống

NDO - Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Đông Anh đã yêu cầu các địa phương gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền để có kế hoạch triển khai cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Rau xanh-sản phẩm OCOP truyền thống của địa phương.
Rau xanh-sản phẩm OCOP truyền thống của địa phương.

Huyện đã xây dựng đề án “Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025”; đồng thời cũng phê duyệt và triển khai thực hiện hỗ trợ về chi phí phân tích chất lượng sản phẩm OCOP; in ấn tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chi phí vận chuyển, bảo quản sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trên địa bàn huyện và gắn tem truy xuất QR đối với 100% các sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, có 686 sản phẩm các loại tại 78 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, đồng thời từng bước triển khai công tác giám sát chất lượng các sản phẩm được gắn tem truy xuất trong hệ thống.

Nhằm tập trung đầu tư nâng cao các sản phẩm, huyện cũng hỗ trợ phát triển nâng cấp sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Hỗ trợ tư vấn xây dựng quy trình sản xuất và áp dụng các quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO,... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP các cấp nhằm cung cấp sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng, phát triển chuỗi liên kết giá trị, tiêu thụ sản phẩm và thành lập, chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm, huyện đã có các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức một hội chợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP và duy trì thường niên. Tính đến nay, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2020-2025, huyện Đông Anh đã có 186 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, nâng cấp, trong đó có một sản phẩm tiềm năng 5 sao; 70 sản phẩm bốn sao; 109 sản phẩm ba sao; 6 sản phẩm được đánh giá nâng cấp.

Trong tổng số 186 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP huyện Đông Anh tập trung phát triển mạnh nhóm các sản phẩm truyền thống; có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau củ quả và thực phẩm tươi sống, 52 sản phẩm chế biến; 3 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ. Về chủ thể, số chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là 56 chủ thể.

Trong đó, 25 chủ thể là hợp tác xã, 16 chủ thể là hộ kinh doanh, 15 chủ thể là doanh nghiệp. Huyện đã tập trung thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với các nội dung theo Đề án, kế hoạch cho các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện với tổng kinh phí trên.

Qua 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo được động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình. Sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận...

Chương trình đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của huyện trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của huyện, là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Đông Anh đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống ảnh 1

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tại xã Vân Hà.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, mục tiêu của Thành ủy Hà Nội đặt ra đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố phải có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy, các huyện của Hà Nội trước khi trở thành quận phải hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Trong đó, bốn huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao trong tháng 9/2023.

Thực hiện mục tiêu đặt ra của Thành phố, huyện Đông Anh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, hoàn thành hồ sơ đúng tiến độ. Đến nay, huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 52%) và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Về nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân trên địa bàn đến hết năm 2022 đã đạt 73,8 triệu đồng/người/năm; 98,7% thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa; 82/93 trường công lập đạt chuẩn quốc gia…

Để có nguồn lực phát triển bền vững cho các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển kinh tế, trong đó thúc đẩy mạnh mẽ các sản phẩm OCOP tại mỗi xã.

Huyện Đông Anh phấn đấu đến hết năm nay, tiếp tục phát triển, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng cấp được ít nhất 40 sản phẩm được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Tập trung xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.