Quảng cáo ngoài trời gây mất mỹ quan đô thị là vấn đề nhức nhối tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Càng ở những tuyến đường cửa ngõ hay những nút giao thông lớn, nguy cơ quảng cáo chui, hoặc sai phạm càng dễ xảy ra. Những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, xuất hiện những loại hình quảng cáo mới như việc rọi đèn chiếu các hình ảnh; ngay cả những biển, bảng quảng cáo được cấp phép cũng lộn xộn, cái thấp, cái cao, cái phủ kín toàn nhà… tạo nên một tổng thể rất rối mắt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, hiện tại trên địa bàn thành phố có nhiều biển quảng cáo tấm lớn đã tồn tại lâu năm, không được đánh giá về điều kiện bảo đảm an toàn, nhưng chưa được xử lý. Quận Đống Đa là địa bàn có nhiều phức tạp về quảng cáo. Trên địa bàn quận có 80 tuyến phố với nhiều khu vực kinh doanh sầm uất và nhiều giao lộ có không gian lớn (khu vực ngã bảy Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, nút giao Đại Cồ Việt-Lê Duẩn), hoạt động quảng cáo, biển hiệu, quảng cáo rao vặt sôi động và cũng phát sinh nhiều sai phạm.
Tính đến hết quý III/2023 quận đã tháo dỡ nội dung của 85 bảng quảng cáo; 695 biển dọc, biển “vẫy” sai phạm; cắt dỡ 1.938 băng-rôn, phướn treo trên thân cây, cột điện, cột đèn chiếu sáng, cột tín hiệu giao thông, cửa hàng kinh doanh… Nhưng các sai phạm vẫn phát sinh. Nhiều biển quảng cáo sai phạm được các doanh nghiệp thi công trong đêm, khiến việc xử lý gặp khó khăn.
Trong khi người dân chưa hài lòng về diện mạo quảng cáo thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo cũng thấy bất an, nhất là khi Quyết định 01/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố bộc lộ nhiều hạn chế, khiến các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo khó phát triển. Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng thẳng thắn nhìn nhận, quảng cáo là hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, nhưng thực tế lĩnh vực này vẫn chưa mang lại hiệu quả cả về yếu tố thẩm mỹ, tuyên truyền và lợi nhuận.
Từ thực tế trên, Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển, đồng thời, bảo đảm mỹ quan đô thị. Dự thảo nới lỏng việc quảng cáo tại một số không gian; điển hình như quy định trước đây, khu vực Hồ Hoàn Kiếm và bao quanh hồ, khu vực phố cổ… không được phép quảng cáo, nhưng ở dự thảo quy chế mới, các khu vực này được cho phép quảng cáo trong giới hạn, các cơ sở kinh doanh trực tiếp sản xuất, kinh doanh giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thay thế cho biển hiệu; các không gian như: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường 1/5, Trung tâm Hội nghị quốc gia; các quảng trường, công viên thuộc thành phố và quận, huyện, thị xã (trước đây chỉ được quảng cáo cho các sự kiện diễn ra tại khu vực) có thể sẽ được cấp phép quảng cáo bằng bảng điện tử chạy chữ, màn hình LED…
Ngoài ra, Quy chế năm 2016 không cho phép bất kỳ hình thức quảng cáo nào trên nóc nhà hoặc che lấp nóc nhà; dự thảo đã bổ sung cho phép quảng cáo trên nóc nhà với hình thức dạng chữ, hình, biểu tượng.
Để hoạt động quảng cáo đáp ứng được nhu cầu xã hội, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có quy hoạch rõ ràng những khu vực được quảng cáo với quy mô, kích thước và mầu sắc khác nhau; có cơ chế chính sách, hướng dẫn linh hoạt hơn cho các đơn vị quảng cáo; việc quy định kích thước biển quảng cáo cần theo thực tế của từng khu vực. Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo thành phố Hà Nội Trần Anh Tuấn cho rằng, trong quy hoạch xây dựng Thủ đô cần có quy hoạch về quảng cáo để tránh sự chắp vá, không đồng bộ.
Đại diện một công ty quảng cáo lớn cũng nhận xét: Nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đang phát triển rất nhanh, nhưng lĩnh vực quảng cáo gần như vẫn giậm chân tại chỗ; vì vậy, để quảng cáo phát triển xứng tầm, cần có cơ chế cho các loại hình quảng cáo hiện đại cũng như xem xét lại kích thước quy định sao cho phù hợp hơn. Một số chuyên gia cũng đề xuất, cùng với việc tạo điều kiện để phát triển thì cần có sự phối hợp tốt hơn giữa Sở Văn hóa và Thể thao (cơ quan cấp phép quảng cáo) với chính quyền các địa phương để việc quản lý được đồng bộ, hạn chế sai phạm, bảo đảm mỹ quan.
Dự kiến, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, chuyên gia liên quan để hoàn thiện, trình thành phố ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố thay thế cho Quyết định 01/2016/QĐ-UBND ban hành năm 2016.