Đình Chèm thờ Ðức Thánh Chèm tên là Lý Thân, tức Lý Ông Trọng, được lưu truyền là nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt, là người đỗ Hiếu Liêm đầu tiên (tiến sĩ), đồng thời cũng là Lưỡng quốc tướng quân đầu tiên của nước ta. Bên chén trà ấm nồng, cụ thủ từ Lê Văn Hiệu cho biết, Lý Ông Trọng sinh thời Hùng Vương thứ 18, làm quan thời Hùng Vương và thời Thục Phán An Dương Vương. Không chỉ có công đánh giặc, giữ nước cả hai triều đại, Lý Ông Trọng còn giúp vua Tần dẹp giặc Hung Nô và được gả công chúa Bạch Tinh Cung, chính vì vậy ông được phong Lưỡng quốc tướng quân. Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm chính là quê gốc của ngài. Hiện, trong đình còn treo vế đối "Văn giỏi - Võ tài - Phò tá ba Vua". Theo các cụ cao tuổi trong vùng, đình Chèm có lịch sử hơn 2300 năm, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mới có diện mạo đẹp và hoàn thiện như ngày nay. Khác với phần lớn ngôi đình ở Việt Nam, đây là ngôi đình hiếm hoi quay mặt hướng bắc.
Ðình Chèm có hai đơn nguyên chính, mỗi đơn nguyên có sáu cụm, đồng thời các cụm nối với nhau thành trục hoàng đạo. Ðình xây dựng theo kiến trúc "nội công, ngoại quốc", gồm: nghi môn ngoại, nghi môn nội, hai nhà tả mạc, nhà tiền tế tám mái, hai tòa đại bái, hậu cung và thượng cung. Nét đặc sắc trong kiến trúc đình Chèm là nghệ thuật chạm trổ hoa văn như: chạm nổi, chạm bong, chạm thủy với chủ đề xuyên suốt trong nghệ thuật chạm khắc chính là tứ linh, đan xen có rồng cuốn thủy, cá vượt vũ môn. Ðặc biệt, gian giữa nhà đại bái các nét chạm trổ không theo đăng đối. Phía trên nhà đại bái còn chạm chim phượng ngậm bài Tứ linh thi, mà theo như Trưởng ban Quản lý di tích đình Chèm Nguyễn Mạnh Thìn giới thiệu, bài thơ được chạm từ năm 864 đến năm 866 mới hoàn thành… Hiện nay, ở đình Chèm lưu giữ chiếc lư hương nghìn năm tuổi rất quý hiếm, nhiều hình chạm khắc gỗ mang phong cách thế kỷ 18. Nơi này cũng lưu giữ nhiều tư liệu cổ ghi công ơn của Lý Ông Trọng như: ba sắc phong do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng, cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn, 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ, bốn tấm bia đá thời Lê Cảnh Hưng và thời Nguyễn…
Ông Nguyễn Mạnh Thìn tự hào cho biết thêm về tích "kiệu đình" để cứu lấy đình Chèm khi đê Liên Mạc bị vỡ năm 1917. Khi đó, nước sông Hồng lên cao gây vỡ đê, đình Chèm có nguy cơ bị nhấn chìm trong nước lũ. Dân làng đã quyết định "kiệu đình", nâng đình lên cao hơn 2,4 m bằng phương tiện thủ công. Cả ngôi đình nặng hàng trăm tấn, kết cấu bằng gỗ quý với cột kèo phức tạp được nâng lên cao ngang mặt sông Hồng. Dẫn khách đi thăm đình, ông Nguyễn Mạnh Thìn chỉ cho chúng tôi vết đóng đinh bừa ở chân cột đình năm xưa, dấu vết để làm đòn bẩy nâng đình lên. Cũng từ đó, đình Chèm không còn bị đe dọa mỗi khi nước sông Hồng dâng cao.
Lễ hội đình Chèm (từ ngày 14 đến 16-5 (âm lịch) với những nét đặc sắc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Trong lễ hội có cúng Phát tấu, có nghĩa cúng Phật, cúng Thánh và cúng các anh hùng tử trận vì đất nước. Lễ hội còn có nghi lễ Mộc dục đức Thánh (tắm tượng) và trong quá trình làm lễ sẽ phóng điểu (thả chim) cầu mưa thuận gió hòa. Một trong những nét đặc trưng khác của lễ hội là nghi lễ Nghinh thủy (rước nước). Nếu trước kia dân làng dùng ba thuyền lớn, thì hiện giờ thay thế bằng hai sà-lan to, có thể chở được 400 - 500 người, đi từ bến Ngự cách đình Chèm khoảng 1 km, ngược sông Hồng đi qua hết ba làng (làng Chèm, Hoàng Xá, Hoàng Liên là ba làng kết nghĩa anh em), sau đó thuyền quay lại trước cửa đình, xoay ba vòng giữa sông rồi làm lễ lấy nước. Phần hội còn có bơi chải, chọi gà, thả diều, cờ người, cờ bỏi... Chính quyền và người dân Thụy Phương đang gìn giữ, phát huy giá trị di tích và lễ hội đình Chèm để nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.