Định vị bản sắc cho nông nghiệp Bắc Trung Bộ

Sở hữu nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, thời gian qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực nắm bắt, ứng dụng các phương thức sản xuất mới, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình nông nghiệp liên kết, ứng dụng công nghệ cao, từng bước định vị hệ sinh thái cho nền sản xuất nông nghiệp mới.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch dưa vàng tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. (Ảnh BÁ VINH)
Thu hoạch dưa vàng tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. (Ảnh BÁ VINH)

Bài 2: Hệ sinh thái của nền sản xuất mới trong nông nghiệp

Dấu ấn nông nghiệp công nghệ cao ở Bắc Trung Bộ phải nói đến việc tập trung phát triển đàn bò sữa chất lượng cao, đưa Nghệ An trở thành trung tâm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của cả nước và quá trình hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Dấu ấn công nghệ cao

Với các chính sách hỗ trợ tích cực, chỉ chưa đầy 15 năm, Nghệ An đã trở thành trung tâm nuôi bò sữa lớn với gần 70 nghìn con và sự có mặt của các doanh nghiệp lớn ngành sữa, trong đó đáng kể nhất là Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True milk thuộc Tập đoàn TH. Từ năm 2009, doanh nghiệp này đã đầu tư trang trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp lớn nhất châu Á tại huyện Nghĩa Đàn.

Bên cạnh đó là trang trại của Vinamilk và các hộ chăn nuôi vệ tinh khác. Công tác lai tạo, lựa chọn bò sữa giống tốt được Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True milk đặc biệt quan tâm. Trong nhiều năm liền, các chuyên gia Israel cùng cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã thu thập, phân tích điều kiện thời tiết, khí hậu tại vùng đất Nghệ An để đưa ra phương án nhập giống bò cao sản New Zealand, với các tính năng di truyền vượt trội về năng suất, chất lượng sữa và thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Nghệ An.

Sau nhiều thế hệ lai tạo, đàn bò sữa ở Nghệ An đã thích nghi tốt với điều kiện địa phương, năng suất sữa đạt bình quân tám đến chín tấn/chu kỳ/năm, cao nhất trong khu vực.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True milk Tal Cohen, với bước đi mang tính đột phá, doanh nghiệp đã chủ động nhập phôi đông lạnh bò sữa cao sản và hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi phân ly giới tính nhằm tạo ra đàn bò sữa cao sản có năng suất sữa vượt trội 12 đến 13 tấn/chu kỳ/năm, tương đương đàn bò sữa cao sản của thế giới. Hiện tại Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True milk là đơn vị chăn nuôi ở Việt Nam làm chủ được công nghệ này, với tỷ lệ đậu phôi cao, chất lượng tốt.

Dự án Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập sớm nhất trên cả nước.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, thông qua việc gắn chíp điện tử vào chân từng con bò kết nối với máy tính đã có thể kiểm soát sức khỏe cùng các hoạt động của bò. Đồng thời, hệ thống vắt sữa tự động, gắn các thiết bị hiện đại, biết "từ chối" vắt sữa đối với những con bò có biểu hiện bị bệnh viêm vú trước đó bốn ngày. Sữa lại giữ được tươi, sạch, tinh khiết và hàm lượng dinh dưỡng nguyên vẹn nhờ hệ thống bảo ôn, khép kín...

Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi sạch tập trung, quy mô công nghiệp, Tập đoàn TH còn sản xuất rau sạch trong nhà kính, trồng các loại giống mía cao sản, dược liệu... Mô hình này được triển khai tại Nghĩa Đàn và các huyện vùng cao miền tây Nghệ An góp phần đổi thay nhanh chóng vùng đất miền tây xứ Nghệ đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân địa phương.

Với mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, mới đây, Dự án Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập sớm nhất trên cả nước.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ

Khi được hỏi vì sao từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, lại thường xuyên phải gánh chịu những tác động nặng nề từ thiên tai, mưa lũ nhưng Hà Tĩnh vẫn là địa phương dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh Ngô Đình Long cho biết, kinh nghiệm, thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thời gian qua cho thấy, nhiệm vụ phát triển sản xuất luôn được xác định vừa là đích đến, vừa là mục tiêu xuyên suốt của địa phương.

Vì vậy, Hà Tĩnh luôn ưu tiên, nỗ lực thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực, tỉnh ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các hộ dân xây dựng, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.

Đến nay, địa phương dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất tập trung trên diện tích gần 11.000 ha lúa; gần 40 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích hơn 1.800 ha; 36 vùng trồng đã được cấp mã số; 22 chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc và minh bạch nguồn gốc sản phẩm, gần 1.000 sản phẩm đã tham gia nhận diện thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử.

Chúng tôi có mặt tại Công ty nông sản An Thành Phong, doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với các hợp tác xã ở các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Hậu Lộc và thành phố Thanh Hóa sản xuất gần 200 ha lúa thương phẩm, chất lượng cao.

Hà Tĩnh luôn ưu tiên, nỗ lực thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.

Giám đốc Nguyễn Văn Tấn cho biết, bên cạnh việc đầu tư dây chuyền sấy, xay xát, kho bảo quản, đơn vị đã thực hiện 100% cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến bảo quản chất lượng. Hằng năm, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường hơn ba nghìn tấn gạo chất lượng cao như ST25, nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, đạt lợi nhuận khoảng một tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương gần 10 triệu đồng người/tháng.

Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô liên kết, tổ chức sản xuất các loại lúa chất lượng cao, xây dựng sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị trên héc-ta canh tác và giải quyết hài hòa lợi ích theo chuỗi.

Tại huyện Thọ Xuân, doanh nghiệp Lasuco tiên phong trong đầu tư Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 375 ha trồng dưa kim hoàng hậu, dưa lưới, rau màu cao cấp, hoa, cây ăn quả... Mô hình lan tỏa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa.

Với huyện miền núi Thường Xuân, quỹ đất trồng cây hằng năm không lớn nhưng nhờ tích tụ, tập trung đất đai, xã Ngọc Phụng và Thọ Thanh đã xây dựng, hình thành hai khu trồng cây ăn quả, quy mô hơn 20 ha, áp dụng quy trình nông nghiệp hữu cơ, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ bốn hộ ban đầu cùng góp 1.620 m2 đất, góp vốn tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay mô hình góp phần thúc đẩy tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở xã Thọ Thanh.

Trên địa bàn xã định hình vùng cây ăn quả trên diện tích hơn 11 ha và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút, tập hợp xã viên tham gia. Anh Lê Đình Quang ở xã Thọ Thanh bộc bạch: Khu vực này trước đây nông dân địa phương trồng cây sắn, bán củ cho tư thương, lãi 20 triệu đồng/ha/năm.

Sau thỏa thuận với hơn 20 hộ gia đình, anh thuê lại hai héc-ta đất, đầu tư ba tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức trồng dưa vàng trên một héc-ta đất trong nhà kính. Ngoài sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật của Công ty Lasuco trong chuyển giao công nghệ, bản thân anh và người lao động cùng chủ động học hỏi, nắm vững quy trình kỹ thuật, công nghệ trồng trọt, điều hành tưới, bón phân qua máy điện thoại thông minh, quảng bá, bán sản phẩm. Chi phí thuê đất của nông dân với mức 300 nghìn đồng/sào, hiện một héc-ta đất trồng ba vụ dưa vàng trong nhà kính cho sản lượng 120 tấn quả, anh Quang thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh của tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Lê Đức Giang cho biết, trước mắt, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 hình thành các vùng trồng trọt, quy mô 75 nghìn héc-ta sản xuất lúa gạo, 18 nghìn héc-ta cây ăn quả tập trung, 20 nghìn héc-ta ngô, 14,3 nghìn héc-ta gieo trồng rau hằng năm.

Trong đó, diện tích quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao 4.100 ha, sản xuất công nghệ số, thông minh đạt hơn 1.000 ha, giá trị đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; diện tích sản xuất quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 49.700 ha, giá trị từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tổ chức nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao 210 ha, giá trị sản xuất đạt từ ba tỷ đồng/ha/năm trở lên; phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 490 ha, cho giá trị sản xuất hai tỷ đồng/ha/năm...

(còn nữa)

>> Bài 1: Chắp cánh để nông sản vươn xa