Định vị bản sắc cho nông nghiệp Bắc Trung Bộ

(Tiếp theo và hết) (★)
0:00 / 0:00
0:00
Suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) là điểm hấp dẫn khách du lịch.
Suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) là điểm hấp dẫn khách du lịch.

Bài 3: Đưa du lịch về với bản làng

Ðón “làn gió mới” du lịch cộng đồng để đưa du khách về với bản làng, nông thôn, thời gian qua các tỉnh Bắc Trung Bộ nỗ lực đánh thức những tiềm năng khác biệt, độc đáo được gắn kết bởi hệ sinh thái sản xuất phong phú và nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Các hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng không những mang đến những giá trị mới cho nền sản xuất tại các vùng quê mà còn tạo động lực mới để các địa phương nỗ lực gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan, các giá trị văn hóa truyền thống.

Sức hút miền hoang sơ

Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An), nằm cạnh sông Lam, cách trung tâm huyện khoảng một km với hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bao đời nay, người dân nơi đây chỉ quen với nương rẫy. Khi được huyện chọn làm điểm du lịch cộng đồng, Ban quản lý bản xác định trước tiên phải khai thác hết những giá trị văn hóa truyền thống là thế mạnh địa phương từ các món ẩm thực đến các phong tục, lễ hội, trò chơi dân gian… Nhờ được hướng dẫn và tự học hỏi, đến nay, người dân đã tự tin đón du khách.

Bản Khe Rạn đã hình thành Tổ dịch vụ ẩm thực với sự tham gia của các phụ nữ chuyên phục vụ món đặc trưng của người Thái. Thành viên các đội văn nghệ, ban ngày đi làm nương rẫy và làm các món đặc sản truyền thống; buổi tối trở thành các sơn nữ với trang phục Thái biểu diễn trong điệu múa truyền thống phục vụ du khách. Không chỉ có bản Khe Rạn mà Con Cuông có các bản du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, được du khách trong và ngoài nước biết đến như bản Nưa, xã Yên Khê, bản Xiềng, xã Môn Sơn và mới đây là bản Bãi Gạo, xã Châu Khê.

Chúng tôi có mặt tại thôn Ðôn (xã Thành Lâm), nơi được coi như “trái tim” của quần thể du lịch Pù Luông, ở huyện Bá Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa) vào mùa lúa chín. Trước mắt chúng tôi là tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang xanh tươi, tỏa hương thơm dịu, ôm lấy những nếp nhà sàn mộc mạc ven đường xen lẫn những khu nghỉ dưỡng, nhà sàn cộng đồng với đầy đủ tiện nghi, bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.

Chị Nguyễn Thị Huyền Phương một du khách đến từ thành phố Ðà Nẵng bộc bạch: Lần đầu đến Pù Luông, tôi rất thích cánh đồng ruộng bậc thang, thưởng thức các món ẩm thực như thịt vịt Cổ Lũng chấm với hạt mắc khén, canh đắng, cơm lam, được hòa mình trong nếp sống thuần hậu, mến khách, cùng nhảy sạp, múa xòe Thái, giao lưu văn hóa, văn nghệ với người dân bản địa.

Trưởng thôn Ðôn, Hà Huy Giáp cho biết: Từ năm 2016 trở lại đây một số nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú thúc đẩy các hộ gia đình chỉnh trang nhà ở, kinh doanh homestay. Thông qua việc tổ chức các dịch vụ du lịch, hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được bảo lưu, tái hiện, tạo điều kiện cho khách du lịch cùng tham gia, thụ hưởng, sáng tạo văn hóa, lan tỏa bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, Mường ở vùng thượng du Thanh Hóa. 26 cơ sở kinh doanh du lịch đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/năm, cộng đồng thôn Ðôn đang hướng tới mục tiêu sớm đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhất là tiểu vùng khí hậu mát mẻ ở các làng Son, Bá, Mười, xã Lũng Cao được ví như Sa Pa ở miền tây Thanh Hóa cùng hệ sinh thái ruộng bậc thang ở khu vực Quốc Thành hấp dẫn khách quốc tế. Số lượng cơ sở kinh doanh lưu trú, homestay phát triển nhanh, gia tăng số lượng khách du lịch. Tại khu vực này hiện có 75 cơ sở, 104 nhà sàn kinh doanh lưu trú, công suất đón 1.500 lượt khách/ngày/đêm, tạo việc làm, thu nhập cho 400 lao động địa phương.

Ðồng chí Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bá Thước

Huyện Bá Thước hoàn thành quy hoạch, tập trung quản lý quy hoạch, ban hành quy chế tạm thời về quản lý trật tự xây dựng, các hoạt động du lịch, dịch vụ. Quan điểm của huyện hạn chế tác động điểm quần cư truyền thống trên đất dốc, khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống xây lắp nhà sàn, tận dụng địa vật hiện có để thiết kế cảnh quan phù hợp, bảo tồn ruộng bậc thang.

Tăng trưởng xanh, bảo tồn sự đa dạng sinh thái ở Pù Luông là quan điểm chỉ đạo, tư duy hành động trong lãnh đạo, điều hành phát triển nông nghiệp phải gắn kết, phục vụ, thúc đẩy phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân ở huyện Bá Thước.

Khu vực miền tây của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng đất đa dạng về văn hóa với múa sạp, múa xòe của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc H’Mông; điệu “xuối, lăm, khắp” của người Thái; hát tơm của dân tộc Khơ Mú;... Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các tỉnh, ngoài du lịch cộng đồng, trải nghiệm với cuộc sống đồng bào dân tộc thì thời gian gần đây, các địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, trải nghiệm.

Ðây đang là xu hướng mới với những sản phẩm như du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch canh nông, du lịch văn hóa gắn với làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm... Một số sản phẩm du lịch nông thôn đã trở thành thương hiệu.

Đánh thức tiềm năng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến cho biết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái được địa phương xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch, tái cơ cấu khách du lịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khách quốc tế đến Thanh Hóa.

Ðến thời điểm hiện nay, Thanh Hóa đã thu hút được 53 dự án liên quan du lịch sinh thái, với tổng vốn đăng ký gần 70.000 tỷ đồng. Hiện các dự án: Cơ sở lưu trú Pù Luông-Pù Luông Retreat, Ebino Pù Luông Resort & Spa ở xã Thành Lâm và Khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông Bocbandi ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước đã đi vào hoạt động; 50 dự án đang triển khai thực hiện, đơn cử như Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En ở huyện Như Thanh, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Thác Mây ở huyện Thạch Thành...

Tại Nghệ An, một số mô hình kinh doanh du lịch kết hợp với khai thác nông nghiệp đã thành công, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập, tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương.

Có thể kể đến các điểm đến và các sản phẩm hấp dẫn du khách như đảo chè (Thanh Chương), sen và các sản phẩm từ sen kết hợp dân ca ví dặm, homestay ở Hợp tác xã Sen quê Bác (Nam Ðàn), đồi hoa xuân (Thái Hòa), đồi hoa Trương Gia Trang (Nghĩa Ðàn), Trải nghiệm làm ngư dân cùng Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1, Hội sản xuất cá thu nướng (Cửa Lò), Cam Vinh-những mùa vàng (Quỳ Hợp)…

Cũng theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ, bên cạnh những kết quả ban đầu, loại hình du lịch nông thôn, trải nghiệm vẫn chưa thật sự đa dạng, chưa chuyên nghiệp. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh; tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu, vẫn còn tình trạng chiếm dụng đất và xây dựng trái phép cũng diễn ra.

Tại các khu, điểm du lịch chưa có quy hoạch dài hạn về xử lý rác thải, bảo vệ nguồn nước. Lực lượng hướng dẫn viên, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế để hướng tới chuyên nghiệp, như kém về ngoại ngữ, công nghệ; một số hoạt động tự phát, chẳng hạn như leo núi, tiềm ẩn những rủi ro mà chưa có quy chế quản lý; thông tin chính thống giới thiệu, quảng bá đến du khách còn sơ sài, ít cập nhật…

“Ðể dần khắc phục những điểm yếu kể trên, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đồng nhân dân từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình hành động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An nhằm kích cầu, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, trải nghiệm ở nhiều địa phương trong tỉnh”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, Nguyễn Mạnh Lợi

Trong đề án xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã “mạnh tay” ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, trải nghiệm như: hỗ trợ cho các hộ gia đình mua sắm trang thiết bị phục vụ khách du lịch tại các cơ sở lưu trú homestay; hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ tiếp đón phục vụ khách du lịch; hỗ trợ tài chính, vốn vay ưu đãi cho các hộ đầu tư xây dựng các homestay.

Chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nhằm phát huy bản sắc văn hóa, duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân, duy trì và phát triển các kỹ năng biểu diễn và dàn dựng các tiết mục, tiểu phẩm cho các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, phục dựng mô hình sản xuất truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nông thôn, trải nghiệm….

(★) Xem Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 21-22/9/2023.