Hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ điển hình để nhân rộng ra toàn địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Ba Lành trưng bày sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại lễ phát động hưởng ứng Ngày hữu cơ Việt Nam 19/9.
Công ty TNHH Ba Lành trưng bày sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại lễ phát động hưởng ứng Ngày hữu cơ Việt Nam 19/9.

Từ năm 2016, Công ty TNHH Ba Lành (quận Bình Thạnh) tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ. Trải qua khoảng sáu năm hoạt động, Ba Lành có những thành công và cũng có những khó khăn, rủi ro mất mát. Kinh nghiệm được công ty này đúc kết là sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn, thương mại trong nông nghiệp hữu cơ cũng không dễ dàng, nhưng tựu trung ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang phát triển, là một tín hiệu đáng mừng.

Bà Phan Đinh Trường Thi, Giám đốc Công ty TNHH Ba Lành cho biết: "Ngày nay, thị trường có rất nhiều sản phẩm hữu cơ nội địa Việt Nam ngày càng hấp dẫn về mùi vị, mẫu mã, giá thành hợp lý. Người tiêu dùng cũng đã hiểu về tiêu chuẩn, sản phẩm và giá cả hơn trước rất nhiều. Chúng tôi thấy có nhiều nhà sản xuất mới tham gia vào thị trường, tinh thần của hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ luôn rực cháy.

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Ba Lành hiểu rõ những khó khăn người nông dân gặp phải trong sản xuất, về vật tư đầu vào, về cả đầu ra của sản phẩm. Có những sai phạm của sản phẩm gắn nhãn hữu cơ cũng đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. So với các sản phẩm hữu cơ của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thì chúng ta còn khá yếu về nhiều mặt, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa.

Đề cập công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ, bà Phan Đinh Trường Thi cho rằng: Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi vì nếu thiếu đi sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc tiếp cận các thông tin về chính sách, tiêu chuẩn sản xuất, về tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, và nhất là các chương trình hỗ trợ cho bà con nông dân, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này sẽ mất đi sự hướng dẫn và chỉ đạo, động viên.

Công tác đào tạo, tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ cho các hộ nông dân cũng cần được triển khai đồng bộ, tập trung nhằm khuyến khích nông dân thực hành. Nhiều vấn đề đã, đang đặt ra như chi phí chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân khó tiếp cận các nguồn kiến thức, quy trình sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường, đầu ra sản phẩm... là những bài toán cần được các cơ quan quản lý lưu tâm, tập trung giải quyết.

Bài toán đầu ra sản phẩm cần được chú trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn lực về nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng phát triển. "Câu chuyện cá nhân của Ba Lành từ ngày thành lập, khi bắt đầu canh tác chuối hữu cơ, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn giống hữu cơ, phân bón đạt tiêu chuẩn cùng vô vàn yếu tố khác. Chỉ cần một yếu tố nhỏ trong chuỗi sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình sản xuất", bà Phan Đinh Trường Thi nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, canh tác nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn trong vài năm qua. Mô hình canh tác này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và người sản xuất. Cụ thể, giúp duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất, phát triển nông nghiệp bền vững, ít gây ô nhiễm nguồn nước...

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư sản xuất các sản phẩm hữu cơ với các chủng loại đa dạng như rau, củ, quả và trứng (gà, vịt) cung cấp cho thị trường thành phố. Để triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hình thành từ 4-5 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ...

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch nêu trên, thành phố tập trung vào năm giải pháp trọng tâm: đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ; khảo sát, đánh giá điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ; tham mưu, đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Song song đó, xây dựng mô hình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể đối với từng sản phẩm để tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Sau khoảng 20 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã có những thành tựu nhất định. Theo thống kê, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ cả nước tính đến hết năm 2021 là hơn 119.100 ha, chiếm 0,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, cả nước có 7.310 nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh và phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Việt Nam đứng thứ bảy trong các nước châu Á về diện tích đất nông nghiệp hữu cơ và thứ ba trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, kết quả trên còn rất thấp so với tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 335 triệu USD/năm, trong khi giá trị thị trường hữu cơ thế giới năm 2022 là khoảng 183 tỷ USD, dự kiến đạt khoảng 546 tỷ USD vào năm 2032. Cùng với đó, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện tại còn yếu; chi phí đầu tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn nhiều so với nông nghiệp thông thường.