Bài 1: Chắp cánh để nông sản vươn xa
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điều này góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Định vị bản sắc cho nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Thay đổi tư duy sản xuất
Gắn bó với nghề chăn nuôi hươu từ lâu, tuy nhiên phải đến năm 2020, sau khi tham gia chương trình OCOP, chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở Sơn Giang, Hương Sơn (Hà Tĩnh) mới mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và hoạt động như một doanh nghiệp.
Chị Hiền cho biết, năm 2020 được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị đăng ký tham gia chương trình OCOP, được dự các lớp tập huấn, nâng cao năng lực kinh doanh, tiếp cận thị trường, nhất là được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh để đầu tư, mở rộng dây chuyền sản xuất, chế biến theo hướng ứng dụng tối đa tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Nhờ đó, từ một vài sản phẩm đơn thuần ban đầu, đến nay cơ sở của chị Hiền đã sản xuất được sáu sản phẩm từ nhung hươu, bình quân mỗi năm tiêu thụ gần hai tấn nhung hươu, đưa giá trị sản xuất tăng 30% so với những năm trước đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn, Nguyễn Kiều Hưng cho biết, nhận thấy tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi hươu của địa phương, giai đoạn 2015-2020, huyện Hương Sơn mạnh dạn ban hành các chính sách phát triển, mở rộng quy mô đàn hươu trên địa bàn.
Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng đàn hươu của Hương Sơn đã tăng từ 36.000 con (năm 2019) lên hơn 43.000 con (năm 2023). “Mặc dù số lượng, quy mô đàn hươu đã tăng trưởng theo dự báo, tuy nhiên hiệu quả kinh tế do chăn nuôi hươu mang lại chưa tương xứng với kỳ vọng.
Một trong những lý do chủ yếu dẫn đến hạn chế này đó là việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào quy trình chế biến còn thấp, người chăn nuôi chưa quan tâm đến thị trường, “đầu ra” cho sản phẩm. Vì vậy, địa phương xác định làm thế nào để thay đổi được tư duy khởi nghiệp, kinh doanh, gia tăng hàm lượng khoa học-công nghệ vào mỗi sản phẩm là khâu then chốt quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh”-đồng chí Nguyễn Kiều Hưng chia sẻ.
Thông qua việc đẩy mạnh toàn diện chương trình OCOP, huyện Hương Sơn đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong mỗi người dân. Nhờ đó, 48 sản phẩm nông nghiệp của 29 cơ sở sản xuất trên địa bàn đã được công nhận sản phẩm OCOP. Bên cạnh việc khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, sáu sản phẩm nông sản Hà Tĩnh đã bước đầu tham gia các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…
Tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), câu chuyện khởi nghiệp bằng chính nghề sản xuất nước mắm truyền thống của ông cha do kỹ sư Lê Anh đề xướng mang lại những giá trị lan tỏa sâu sắc. Mắm tôm Lê Gia được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, tiếp tục chắp cánh cho hành trình đa dạng hóa các sản phẩm hải sản, tinh chế, nâng cao chất lượng các sản phẩm chế biến từ hải sản của Lê Gia nói riêng và các sản phẩm của làng nghề truyền thống Khúc Phụ nói chung. Sản phẩm của Lê Gia lần lượt phủ khắp các siêu thị trong nước, vươn tới thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Panama, châu Âu.
Doanh nghiệp hiện tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động, đạt mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Theo chia sẻ của kỹ sư Lê Anh, bên cạnh việc tuân thủ quy trình sản xuất truyền thống thì việc áp dụng công nghệ mới trong khâu lựa chọn tôm nguyên liệu, xử lý muối, trộn theo tỷ lệ, xay nhuyễn, ủ mắm bảo đảm giữ hương liệu tự nhiên, an toàn vệ sinh thực phẩm là bí quyết tạo nên chất lượng, hương vị đặc sắc của sản phẩm.
Bên cạnh việc tuân thủ quy trình sản xuất truyền thống thì việc áp dụng công nghệ mới trong khâu lựa chọn tôm nguyên liệu, xử lý muối, trộn theo tỷ lệ, xay nhuyễn, ủ mắm bảo đảm giữ hương liệu tự nhiên, an toàn vệ sinh thực phẩm là bí quyết tạo nên chất lượng, hương vị đặc sắc của sản phẩm.
Kỹ sư Lê Anh
Nâng tầm giá trị nông sản Việt
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, đến nay, địa phương này có hơn 422 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có một sản phẩm có tiềm năng đạt cấp 5 sao và sáu sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ hai của cả nước (sau Hà Nội). Chương trình đã huy động được 137,958 tỷ đồng để hỗ trợ 253 chủ thể và các đơn vị liên quan xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn...
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, lợi nhuận. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu, lợi nhuận của nhiều chủ thể có sản phẩm đạt hạng ba sao OCOP trở lên hằng năm vẫn tăng khoảng 10-15%. Điển hình như sản phẩm thủy sản của Công ty cổ phần Biển Quỳnh, dược liệu của Công ty dược liệu Pù Mát, lạc của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất, nhập khẩu Sỹ Thắng, sen của Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác; thịt bò giàng của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh bò giàng Thảo Hảo; Hương trầm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương trầm Liên Đức; giò bê Chung Tài của hộ sản xuất Lê Đình Chung; bánh đa Lương Sơn của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh thực phẩm Lương Sơn...
Thung lũng mận xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). |
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các địa phương trên địa bàn, để có được những kết quả đáng phấn khởi này, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho Chương trình OCOP. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh Nghệ An đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP đồng bộ, tạo động lực, dẫn dắt cho các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng hạ tầng, công nghệ, thiết bị, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP.
Các chính sách mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP, trao thưởng cho các sản phẩm được phân hạng… góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 42 xã nông thôn mới nâng cao; sáu xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: Tại thời điểm này, toàn tỉnh Thanh Hóa có 391 sản phẩm OCOP đạt tiêu chí đánh giá, phân hạng sao, trong đó ngoài mắm tôm Lê Gia đạt 5 sao quốc gia, có 54 sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.
Cùng với việc ban hành chính sách khuyến khích, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, xây dựng sản phẩm OCOP, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối cung cầu; tổ chức sàn giao dịch thương mại điện tử, mở các điểm, gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các đô thị, khu du lịch. Chương trình OCOP góp phần khôi phục, phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản truyền thống; du nhập, nhân cấy, tạo thêm những sản phẩm mới và nhiều sản phẩm OCOP được tạo ra từ thực tiễn lao động, sáng tạo của các chủ thể, người lao động.
Các sản phẩm OCOP ở Thanh Hóa mang đặc trưng văn hóa vùng, miền, hồn cốt văn hóa xứ Thanh. Chương trình thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, các chủ thể tự lực, tự tin lao động, sáng tạo; hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng tham gia phát triển sản phẩm địa phương hướng tới toàn cầu…
(Còn nữa)