Đình Đoài “kể” cuộc sống xưa

Đình xứ Đoài không chỉ đẹp về kiến trúc, không chỉ có rồng phượng, mà nét độc đáo nhất là những câu chuyện cuộc sống đi vào trang trí. Đó là cảnh chơi cờ, đá cầu, trai gái trêu đùa khi đang tắm, thậm chí có ngôi đình có hình ảnh ông Tây mũi lõ…
0:00 / 0:00
0:00
Bức chạm thể hiện cảnh đấu vật ở đình Đại Phùng.
Bức chạm thể hiện cảnh đấu vật ở đình Đại Phùng.

Phần lớn những ngôi đình lớn nhất, đẹp nhất vùng Bắc Bộ đều nằm ở xứ Đoài, vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc về Hà Nội. Đó là những Chu Quyến, Tây Đằng, Tường Phiêu, Mông Phụ…

Nhiều ngôi đình trong đó đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, xứng với câu dân gian xưa ca tụng: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” khi nói về đặc trưng của những vùng đất ven kinh thành Thăng Long xưa. Nhưng đình xứ Đoài không chỉ đẹp về kiến trúc, với những mái đình đồ sộ, đầu đao cong vút; không chỉ có những bức chạm rồng, phượng tinh mỹ, điều làm nên nét đẹp của đình Đoài là những câu chuyện về sinh hoạt đời thường, về cuộc sống thời cha ông ta thuở trước.

Đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) xứng danh là bảo tàng điêu khắc gỗ, nơi hội tụ của những bức tượng, bức chạm trổ về thần tiên, linh vật, muông thú, hoa lá… và con người.

Những cấu kiện cổ nhất của ngôi đình thuộc về thời Mạc-Lê Trung hưng. Đình làng vốn là không gian thiêng. Nhưng có những bức chạm khiến các nhà nghiên cứu phải ngạc nhiên. Đó là cảnh người đàn ông chải tóc cho vợ, hay bức hình người phụ nữ với đôi quang gánh trên vai, mỗi đầu quang gánh là một đứa con nhỏ.

Thời đại phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ là phổ biến, nhưng những trang trí này xóa tan quan điểm đó. Người phụ nữ được tôn trọng, được cảm thông.

Nếu như các bức chạm rồng, phượng, hoa lá, mây lửa… thường được người thợ thủ công xưa chạm trổ cầu kỳ, tỉ mỉ từng chi tiết, đường nét thì những bức chạm về cuộc sống lại được thể hiện một cách rất “dân gian” theo lối đục chạm ước lệ, tượng trưng với những đường chạm trổ khoáng đạt.

Đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) cũng là một kho chạm trổ về đề tài cuộc sống. Có những hình tượng người đạo sĩ ngồi bó gối trầm tư, hình ảnh người cưỡi ngựa, cưỡi voi… Nhưng gây “sốc” nhất là bức chạm về đi săn; trong đó, có một người cầm súng, mũi lõ, khác hẳn người Việt.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, bức chạm này thể hiện một người nước ngoài đi săn, thường được gọi là “ông Tây bắn hổ”. Ngôi đình này cũng cho biết thêm về những trò chơi dân gian xưa, như trò “chồng nụ, chồng hoa” hay đá cầu, tiên…

Đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng) có những bức chạm thể hiện những cô gái tiên nữ, cảnh đặc tả đôi trai gái đứng tự tình, anh con trai mình trần một tay khoác vai cô gái. Cô gái mặc váy, tóc buông dài… Bức chạm thể hiện cảnh trai gái nhưng không thấy tục, mà toát lên sự dí dỏm. Sự đa dạng về sắc thái trang trí đòi hỏi mỗi khi tu bổ, các chuyên gia cần tiến hành cẩn trọng, để không mất đi những nét đẹp dân gian xưa.