Giữ điệu chèo truyền thống quê hương

Nói đến Thái Bình, nhiều người thường biết đến chèo Khuốc thuộc huyện Đông Hưng nổi tiếng gần xa. Nhưng ở vùng quê lúa còn có nhiều làng chèo, gánh chèo hay câu lạc bộ chèo đang hoạt động vẫn giữ được hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Câu lạc bộ Chèo Sáo Đền, xã Song An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) biểu diễn làn điệu chèo cổ.
Các thành viên Câu lạc bộ Chèo Sáo Đền, xã Song An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) biểu diễn làn điệu chèo cổ.

Chia sẻ về các loại hình văn hóa truyền thống còn tồn tại trên địa bàn, ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Vũ Thư nhắc ngay đến các câu lạc bộ chèo đang phát triển ổn định ở địa phương. Đó là chèo Sáo Đền xã Song An, chèo thôn Ô Mễ 2 xã Tân Phong, chèo thôn La Uyên xã Minh Quang và chèo thôn Thuận An xã Việt Thuận. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng những làn điệu múa, giọng ca của những người nông dân quanh năm bám làng, bám ruộng đồng vẫn ngân vang, đầy sức sống trong các lễ hội làng, trong các buổi giao lưu hay thi tài trong và ngoài tỉnh.

Bà Phạm Thị Dung ở thôn An Phúc, xã Song An, nay đã ngoài 60 tuổi là người có công dựng giã, khôi phục hát chèo từ năm 2003. Trước kia, chèo Sáo Đền vang danh cùng gánh chèo Khuốc (huyện Đông Hưng) và chèo Hà Xá (huyện Hưng Hà). Cả thời gian dài chiến tranh, hát chèo bị mai một, vắng bóng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Với vốn nghề có sẵn từ đời cha ông để lại, bà Dung âm thầm phục dựng, vận động các bà, các chị có tâm huyết, có đam mê với loại hình văn hóa truyền thống duy trì tập luyện lại các điệu chèo cổ và sáng tác những bài hát mới để cổ vũ nhiệm vụ chính trị ở địa phương cũng như động viên tinh thần hăng say trong lao động sản xuất. Trên các sân khấu lớn nhỏ, câu lạc bộ chèo của bà Dung trình diễn thuần thục các tích chèo cổ từng được nhiều người biết đến như: Quan Âm Thị Kính, Thị Mầu lên chùa, Lý trưởng mẹ mõ…Tất cả đều được các thành viên trong câu lạc bộ tự biên, tự diễn mang đến sự mộc mạc, tự nhiên và thuần chất vốn có của làn điệu chèo truyền thống.

Nhằm giữ gìn tinh hoa truyền thống, tháng 12/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư tổ chức tổng kết lớp truyền dạy nghệ thuật chèo và ra mắt Câu lạc bộ Chèo Sáo Đền, xã Song An. Chỉ trong thời gian ngắn, các học viên là hạt nhân văn nghệ, thành viên Câu lạc bộ Chèo Sáo Đền được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về hát múa, biểu diễn và sử dụng một số nhạc cụ phục vụ biểu diễn nghệ thuật chèo; đồng thời trực tiếp thực hành biểu diễn các làn điệu chèo cổ, gồm: Lới lơ, đào liễu, đò đưa, sa lệch chênh, hề mồi thắt lưng xanh, xẩm xoan, luyện năm cung… Với kỹ năng điêu luyện trong hát chèo truyền thống, bà Dung đã hoàn thiện hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt phong tặng Nghệ nhân Văn hóa dân gian trong thời gian tới.

Thôn Ô Mễ 2, cũng là nơi sản sinh ra những làn điệu chèo truyền thống có từ xa xưa. Ngày nay, tại vùng đất thuần nông này vẫn có những con người nhiệt huyết và đam mê hát chèo. Đó là bà Trần Thị Ánh (62 tuổi) hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo thôn Ô Mễ 2. Gần 20 năm qua, bà cùng hơn 20 thành viên đủ mọi lứa tuổi trong thôn bền bỉ giữ gìn các làn điệu chèo. Tất cả mọi người đến với câu lạc bộ đều với tinh thần tự nguyện vì niềm đam mê chèo truyền thống. Bà Ánh chia sẻ, bản thân phải hy sinh rất nhiều về thời gian, công việc và đổ mồ hôi, công sức cho tiếng hát chèo vang xa, quyện hòa trong đời sống vùng nông thôn. So với các câu lạc bộ chèo trong huyện Vũ Thư, chèo thôn Ô Mễ 2 có số lượng người còn hát tốt lên đến 10 người.

Trong câu lạc bộ có đạo diễn, có người sáng tác, có năm nhạc công, còn lại là diễn viên. Bà Ánh được ví như “linh hồn” của Câu lạc bộ Chèo vì bà luôn muốn bảo tồn cách hát chèo truyền thống, đó là tròn vành, rõ tiếng, đúng nhịp phách, không du nhập lối hát cách tân, mất hồn cốt của chèo sân đình. Và hiếm có ai đam mê chèo như bà Ánh, dù gia đình đã chuyển lên Hà Nội sinh sống, nhưng bà vẫn thường xuyên đi về thôn Ô Mễ để tổ chức luyện tập, truyền dạy và giao lưu trên các sân khấu trong và ngoài tỉnh. Từ sân đình, sân hợp tác xã đến các sân khấu lớn như cuộc thi Tiếng hát chèo không chuyên tỉnh Thái Bình hay như Giao lưu chèo không chuyên toàn quốc không bao giờ thiếu vắng bà.

Để tiếng hát, điệu múa chèo truyền thống không ngừng phát triển ở Vũ Thư, luôn có những “ngọn cờ đầu” dựng giã, tổ chức như bà Dung, bà Ánh. Điều mong mỏi nhất của các câu lạc bộ chèo là sự quan tâm, hỗ trợ cụ thể, thường xuyên hơn nữa từ phía chính quyền địa phương, của ngành văn hóa để những người đam mê hát chèo có động lực, có niềm tin giữ lửa cho bộ môn văn hóa truyền thống của dân tộc.