Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, yêu cầu bắt buộc cho mỗi nhóm chơi quan họ là phải kết bạn với ít nhất một nhóm chơi quan họ khác. Quy định này đã trở thành một tập tục phổ biến chung trong văn hóa quan họ xưa và được bảo tồn đến tận ngày nay.
Trước đây, việc kết bạn quan họ cũng phải theo quy trình với nghi thức rất quan trọng là lần lượt làm lễ tại đình làng của nhóm quan họ nam và quan họ nữ để cầu khấn thần Thành hoàng cho phép và chứng giám đôi bên thành bạn của nhau. Chỉ có như vậy, hai nhóm quan họ mới được qua lại chơi quan họ, tránh dư luận "nam nữ thụ thụ bất tương thân" sau những buổi "ca cho tàn đêm rạng ngày".
Tại các làng quan họ vùng Kinh Bắc hiện vẫn lưu giữ được tục kết bạn, kết chạ, kết nghĩa giữa các làng quan họ như: Làng Thổ Hà (Bắc Giang) kết bạn với làng Diềm (Bắc Ninh); làng Trung Đồng (Bắc Giang) kết bạn với làng Thượng Đồng, Hạ Đồng (Bắc Ninh)…
Thông thường, khi các làng đã kết chạ với nhau thì các anh hai, chị hai không bao giờ lấy nhau. Hai bên luôn thể hiện sự tôn trọng, quý mến, giữ đúng khoảng cách với nhau. Mỗi khi giao tiếp, họ thường giữ gìn phong độ lịch sự từ ngôn ngữ, cử chỉ, khi đứng, khi ngồi; từ chén nước, miếng trầu, mâm cơm thiết bạn… tất cả đều đúng mực, toát lên vẻ thanh lịch.
Sinh ra và lớn lên tại làng Diềm - làng quan họ gốc (nay là khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), gắn bó với quan họ từ thuở ấu thơ, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm cho biết: "Trước kia, bạn quan họ say nhau đến nỗi không quản ngày, đêm, chỉ cần nhớ nhau là hai bên có thể đi bộ hàng chục cây số để được hát với nhau. Bên cạnh ca hát, các nhóm quan họ kết bạn còn gắn bó với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Họ thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cả cuộc sống vật chất và tinh thần, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, thăm viếng nhau mỗi khi gia đình thành viên quan họ bạn có việc vui, việc buồn, đau ốm… Song, có một quy định nghiêm ngặt đối với nhóm quan họ ở các làng kết chạ với nhau là con trai và con gái trong hai làng đó không được thành vợ, thành chồng".
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các nhóm quan họ trong làng tập hợp thành các câu lạc bộ quan họ, bao gồm những người yêu quan họ. Bởi vậy, tổ chức bộ máy không còn bền chặt như trước. Suốt thời gian qua, nhất là 15 năm gần đây, khi dân ca quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
Theo đó, cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng quan họ gốc, phát triển các làng quan họ thực hành, thành lập nhiều câu lạc bộ quan họ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, câu lạc bộ dân ca quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ dân ca quan họ Bắc Ninh…
Sau 15 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ 44 làng quan họ gốc, đến nay, Dân ca quan họ Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ thêm 150 làng quan họ thực hành, hơn 600 câu lạc bộ với hơn 10.000 hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy.
Toàn tỉnh đã phong tặng 156 nghệ nhân Dân ca quan họ; trong đó, có 9 Nghệ nhân Nhân dân, 37 Nghệ nhân Ưu tú, 2 Nghệ sĩ Nhân dân và 17 Nghệ sĩ Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.
Hằng tháng, tỉnh trợ cấp đối với Nghệ nhân Nhân dân là 2 lần mức lương cơ sở; Nghệ nhân Ưu tú là 1,5 lần mức lương cơ sở; Nghệ nhân Dân ca quan họ là 1 lần mức lương cơ sở.
Mỗi năm, tỉnh hỗ trợ làng quan họ gốc 30 triệu đồng/làng; làng quan họ thực hành 20 triệu đồng/làng; các câu lạc bộ quan họ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh được lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà mức 20 triệu đồng/câu lạc bộ/lượt thăm…