Văn hóa làng quê

Lan tỏa giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt

Vào dịp cuối tháng 11 âm lịch hằng năm, hàng nghìn người dân thành phố Hải Phòng và du khách thập phương lại đổ về Khu Di tích quốc gia đặc biệt, Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng); tham dự lễ hội truyền thống đặc sắc-Lễ hội Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội kỷ niệm 439 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh KHUYNH NGHĨA)
Lễ hội kỷ niệm 439 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh KHUYNH NGHĨA)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Đức Cảnh cho biết, lễ hội Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm nay được tổ chức vào dịp kỷ niệm 439 năm ngày mất của ông.

Lễ hội không chỉ để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ về thân thế, sự nghiệp, công lao của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt này, mà còn là dịp quảng bá sự phát triển vươn lên mạnh mẽ của vùng quê lịch sử, hun đúc và khơi dậy truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân địa phương.

Theo sử sách ghi lại, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng).

Ông đã liên tục đỗ đầu 3 kỳ thi và giành học vị Trạng Nguyên. Ông được vua Mạc bổ nhiều chức quan, cao nhất là Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học đến cuối đời nhằm truyền lại tri thức và đào tạo con người cho thế hệ mai sau. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam - người tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam với hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”.

Nhiều học trò của ông đã trở thành những danh tướng, Trạng nguyên lưu danh sử sách như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền… Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã cấp Bằng công nhận Khu di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm là Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội năm nay, ngoài các phần nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục, cáo yết, rước văn…, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: giải vật truyền thống; chương trình thơ, nhạc về Trạng Trình; liên hoan văn nghệ các làng văn hóa… thu hút đông đảo người dân Hải Phòng và các địa phương bạn như Hải Dương, Thái Bình tham dự khiến lễ hội thêm tưng bừng, rộn rã.

Tại lễ hội, nhiều sản vật OCOP đặc trưng, các trò chơi, hoạt động văn hóa truyền thống như: pháo đất, cờ tướng, múa rồng… được tổ chức, giới thiệu, thể hiện tình cảm tôn kính đối với danh nhân và báo công dâng lên Trạng Trình những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Bảo giành được trong năm 2024.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, với công lao to lớn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hải Phòng đã có quyết định thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa của thế giới nhân kỷ niệm 450 năm Ngày mất của ông (1585-2035).

Đến nay, thành phố Hải Phòng đã sưu tầm, kiểm kê, lập thư mục với 48 tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiêu biểu như: Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân am thi tập tịnh tự, Bạch Vân am thi văn tập, Bạch Vân am Tiên sinh, Bạch Vân am Trình Quốc công thi tập, Bạch Vân gia huấn, Bạch Vân quốc ngữ thi tập…; tập hợp được 184 công trình nghiên cứu, 253 bài viết tư liệu về Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cùng với đó, thành phố biên soạn thư mục “Nguyễn Bỉnh Khiêm tác giả và tác phẩm” gồm 487 tài liệu với 1.355 trang; tổ chức hội thảo “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử dân tộc thế kỷ 16”; phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật và đã tiếp nhận được 16 tác phẩm kịch bản sân khấu, gần 50 tác phẩm âm nhạc về Trạng Trình.

Thành phố Hải Phòng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, lan tỏa trong đời sống xã hội về thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; số hóa các tư liệu và dịch ra nhiều thứ tiếng; xây dựng các bộ phim tư liệu và tổ chức hội thảo quốc gia về Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn, mà còn là nhà giáo dục, đạo đức.

Các tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những công trình nghiên cứu là tài liệu quý, có giá trị cần được lưu giữ và dịch ra tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, nhằm lan tỏa những giá trị của ông đến với bạn bè thế giới, tạo sự ủng hộ cao trong quá trình đề nghị UNESCO công nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa của thế giới.