Giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc truyền thống

Trong hệ thống di sản văn hóa vật thể ở Nam Ðịnh, có gần 100 ngôi từ đường được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa. Ðây không chỉ là những công trình tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc truyền thống của cư dân Việt vùng Ðồng bằng Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Từ đường thờ thủy tổ Vũ Chi, xã Hải Anh (Hải Hậu) được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Từ đường thờ thủy tổ Vũ Chi, xã Hải Anh (Hải Hậu) được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Ðịnh, qua thống kê của ngành chức năng, các từ đường dòng họ trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh hiện phụng thờ những ông tổ của dòng họ, là những nhà khoa bảng (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, cử nhân); những người có công với đất nước, với các triều đình phong kiến; có công khai khẩn đất hoang mở làng lập xóm; hoặc ông tổ một ngành nghề thủ công truyền thống.

Tiêu biểu ở thành phố Nam Ðịnh có từ đường họ Trần Văn, có vị trí tại thôn Ðệ Nhất, xã Mỹ Trung, đã được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Với thiết kế mang phong cách cổ truyền, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm tiền đường 3 gian 2 chái, hậu cung 2 gian, có vẻ đẹp cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng nông thôn Bắc Bộ.

Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, từ đường họ Trần Văn còn lưu giữ được những hiện vật quý như: bát hương, bộ bát, đĩa thờ chạm khắc họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê; ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, đến nay, từ đường được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của con cháu trong dòng họ.

Ở huyện Hải Hậu có từ đường thủy tổ Vũ Chi (xã Hải Anh) được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, quy mô lớn với diện tích hơn 1.400 m2 được lập vào năm Ðinh Tỵ, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (năm 1797). Năm 1943, con cháu trong dòng họ Vũ Chi tiến hành đại tu toàn bộ các hạng mục công trình.

Từ đó đến nay, trải qua 6 lần trùng tu, tôn tạo, công trình vẫn giữ được nguyên trạng nghệ thuật kiến trúc, xây dựng thời Nguyễn; trong đó đặc trưng là kiến trúc 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 5 gian hậu chẩm. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật như: sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự.

Tại huyện Nam Trực cũng có nhiều ngôi từ đường các dòng họ lâu đời đã được công nhận, xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa; tiêu biểu là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh từ đường họ Nguyễn Ðình ở xã Nam Cường. Căn cứ các tư liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương, đáng chú ý là tấm bia “Trùng tu từ đường” được soạn khắc năm Duy Tân thứ 5 (năm 1911) hiện lưu giữ tại di tích, thì công trình từ đường họ Nguyễn Ðình được khởi dựng lần đầu vào năm 1759.

Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Ðình đã phát triển cả về con người và công trình thờ tự. Ngoài từ đường ngành cả, hiện nay con cháu các chi, ngành còn xây dựng 5 ngôi từ đường, tạo thành một hệ thống từ đường dòng họ Nguyễn Ðình rộng lớn và quy mô.

Có một điểm chung ở các di tích từ đường trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh hiện nay, ngoài việc là nơi thờ tự các vị tổ, còn là những “bảo tàng”, “thư viện” để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu tiếp tục góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Hằng năm, tại các từ đường, vào dịp Tết Nguyên đán, giỗ tổ, hoặc khi các gia đình có sự kiện quan trọng, các dòng họ đều mở cửa từ đường để con cháu khắp nơi về tế lễ, ôn lại công lao của tổ tiên, trao quà tặng người cao tuổi mẫu mực, phát phần thưởng tặng con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập…

Những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng diễn ra tại từ đường các dòng họ mặc dù diễn ra trong phạm vi hẹp, nhưng vừa thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa có ý nghĩa giáo dục về lòng biết ơn của con cháu đối với các thế hệ cha ông có công sinh thành, gây dựng nên cuộc sống tốt đẹp; là dịp để mọi người trong dòng họ siết chặt tinh thần đoàn kết, cùng chung sức xây dựng quê hương.

Ðáng ghi nhận là hiện nay, các từ đường được xếp hạng di tích đều có Ban Trị sự dòng họ trông coi, bảo vệ, hoạt động dưới sự giám sát của Ban Quản lý di tích lịch sử-văn hóa địa phương. Chính quyền các cấp và con cháu các dòng họ luôn thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo tồn di sản, góp phần gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa lịch sử.