Hải Phòng khởi động phát triển công nghiệp văn hóa

Cùng với kinh tế-xã hội, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tích cực vào công cuộc "xây dựng và phát triển Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn múa rối của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng luôn hấp dẫn người dân và du khách.
Biểu diễn múa rối của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng luôn hấp dẫn người dân và du khách.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Khánh Hà cho biết, thực hiện các nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về phát triển kinh tế-xã hội, cũng như chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thành phố Hải Phòng quan tâm đặc biệt đến văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa, phấn đấu tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng GRDP của thành phố…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ giúp khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sự cố kết xã hội, mà còn giúp phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, củng cố sức mạnh mềm của quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, số hóa và cạnh tranh ngày càng gia tăng… Với vị trí giao thoa của vùng kinh tế phát triển Hà Nội-Quảng Ninh và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, thành phố Hải Phòng có nhiều tiềm năng lớn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, thành phố Hải Phòng chủ trương phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa nhằm khai thác giá trị kinh tế của văn hóa, để văn hóa trở thành một trong những nguồn lực cho sự phát triển đất nước và thành phố, đưa các di sản trở thành tài sản... Cùng với sự nỗ lực của thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, ngành văn hóa và thể thao thành phố đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực chuyên môn để rà soát, đề xuất, xây dựng các dự án, đề án, chương trình ở các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và điều kiện thực tế của thành phố Cảng. Cùng với đó, ngành cũng đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, vận động viên trên địa bàn thành phố, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp mở mang đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa.

Với quan điểm, văn hóa là một dạng tài nguyên, công nghiệp văn hóa là việc ứng dụng công nghệ, tổ chức khai thác tài nguyên đó phục vụ cho phát triển thành phố, Hải Phòng đã và đang tập trung khai thác bề dày truyền thống văn hóa của mảnh đất cửa biển - nơi đang sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa dồi dào với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa. Đáng chú ý, trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà, 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 117 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 435 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Đồng thời, Hải Phòng cũng có hơn 400 lễ hội các cấp; 10 lễ hội và 1 nghệ thuật trình diễn dân gian được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản cần bảo vệ khẩn cấp…

Đặc biệt Hải Phòng còn có 21 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia - số lượng hiếm địa phương nào có được. Các bảo vật quốc gia phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, nhưng vẫn được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong những sự kiện trọng đại của thành phố. Cùng với đó, thành phố Cảng còn có 15 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hệ thống làng nghề phong phú, độc đáo, lâu đời khá hấp dẫn với du khách trong nước, quốc tế…

Hàng loạt đề án, chương trình nhằm "khởi động" cho công nghiệp văn hóa phát triển như: Tuyên truyền, quảng bá Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà, các di sản văn hóa, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả trên các kênh sóng lớn, uy tín của truyền thông quốc tế…

Trong đó, các đề án khôi phục tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du); các lễ hội văn hóa lịch sử truyền thống; tổ chức các chương trình nghệ thuật đường phố trong các tối cuối tuần; thực hiện chương trình "sáng đèn" nhà hát, sân khấu truyền hình… không chỉ là điểm sáng của hoạt động nghệ thuật biểu diễn cả nước, góp phần hồi sinh văn nghệ, văn hóa dân gian của dân tộc, mà còn tạo sân chơi sáng tạo cho các nghệ sĩ, diễn viên, hấp dẫn khách du lịch, cải thiện và không ngừng nâng cao nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, những kết quả của công nghiệp văn hóa ở Hải Phòng cũng chỉ mới là bước đầu và còn không ít trở ngại, thách thức. Những thách thức chủ yếu đến từ cơ chế, chính sách; sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương; tình trạng vi phạm tác quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngành công nghiệp văn hóa của thành phố Cảng sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Ngành công nghiệp văn hóa Hải Phòng sẽ dựa trên sự sáng tạo, khoa học-công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển gắn với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng ra thế giới. Công nghiệp văn hóa Hải Phòng sẽ có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhất là một số sản phẩm, loại hình nghệ thuật truyền thống có thế mạnh, như: rối nước, âm nhạc, lễ hội độc đáo..., phát huy những lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan biển đảo, văn hóa ẩm thực đặc sắc…

Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm văn hóa mũi nhọn, hình thành chuỗi địa điểm thưởng thức nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn; quảng bá rộng rãi các sản phẩm, xây dựng diện mạo, biểu tượng văn hóa đặc trưng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa…