Núi Ngũ Nhạc nằm về phía đông bắc của Côn Sơn, thuộc xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trên các đỉnh núi này, người xưa cho xây các miếu thờ 5 vị sơn thần (Ngũ Phương Ngũ Lão quân) và được gọi là Ngũ Nhạc linh từ. Cụ thể, Đông Nhạc miếu tượng trưng cho hành mộc (màu xanh) thờ Thanh Đế; Tây Nhạc miếu tượng trưng cho hành kim (màu trắng) thờ Bạch Đế; Nam Nhạc miếu tượng trưng cho hành hỏa (màu đỏ) thờ Xích Đế; Bắc Nhạc miếu tượng trưng cho hành thủy (màu đen) thờ Hắc Đế; Trung Nhạc miếu tượng trưng cho hành thổ (màu vàng) thờ Hoàng Đế.
5 ngôi miếu có chức năng cai quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản núi rừng, khe vực, cây cối. Từ xa xưa, mặc dù đường sá đi lại khó khăn, phải băng đèo lội suối, vượt qua khe núi dốc cao, nhưng rất nhiều tín đồ phật tử vẫn hành hương lên Ngũ Nhạc linh từ để cầu phúc, tránh họa, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Từ thế kỷ 14, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh Đông A - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực phương Bắc. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương.
Trong dịp Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc đã trở thành một điểm nhấn, một nghi lễ đặc biệt quan trọng. Nghi lễ được phục dựng từ năm 2006, tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân và du khách thập phương.
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng tôn kính với các vị thần mà còn là dịp gắn kết cộng đồng, thể hiện ước vọng về sự thịnh vượng và an lành cho quốc gia. Lễ tế được tổ chức hàng năm vào ngày 17 tháng Giêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và khát vọng. Lễ tế cũng là dịp người dân thể hiện sự tôn kính đối với thiên nhiên và tổ tiên; gửi gắm tâm nguyện tới trời, đất, tới các vị thần về một cuộc sống an nhiên, no ấm, hạnh phúc.
Mở đầu buổi lễ, từ dưới chân núi Ngũ Nhạc, đoàn hành lễ thường được dẫn đầu bởi đội múa lân, đội nhạc lễ, cùng các đại diện từ Giáo hội Phật giáo, chính quyền các cấp, các đội tế nam, nữ, đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương tiến lên đỉnh núi. Buổi lễ bắt đầu tại miếu Bắc Nhạc, nơi mọi người thực hiện các nghi thức truyền thống trước khi tiến đến các miếu Trung Nhạc, Tây Nhạc, Đông Nhạc và cuối cùng là Nam Nhạc.
Tâm điểm của buổi lễ là Lễ tế trời đất tại miếu Trung Nhạc, tại đây, đại diện của đoàn vái trời, đất và đọc lời cầu nguyện cho quốc gia thịnh vượng, cho cộng đồng dân cư được bình an. Trong không khí trang nghiêm, giữa tiếng nhạc và khói hương, sự linh thiêng của buổi lễ hiện rõ trong từng động tác và lời cầu nguyện của những người tham gia.
Ban ngũ cốc là một phần quan trọng trong Lễ tế. Các hạt giống gồm có thóc, lạc, ngô, đỗ và vừng, mang theo những ước vọng tốt đẹp được dâng với sự tôn kính và hy vọng rằng chúng sẽ đem lại mùa màng bội thu, nội lực phát triển cho cả cộng đồng. Cuối buổi lễ, những hạt giống này được phát cho đại diện các ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân mang về gieo trồng, nhân giống, với mong muốn mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển.
Ông Nguyễn Huy Quyết (62 tuổi) ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần đến Côn Sơn cho rằng, Lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ là di sản văn hóa tâm linh Việt, là cầu nối gắn kết các thế hệ trong cộng đồng. Việc tham gia lễ tế giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó gắn bó hơn với quê hương và đất nước. Đây không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là biểu tượng cho sự hội tụ của văn hóa và truyền thống, nơi mà lòng thành kính, khát vọng và ước mơ của con người về cuộc sống tốt đẹp hơn được gửi gắm. Lễ tế cũng là dịp để mỗi người dân tự hào về văn hóa, lịch sử và di sản của dân tộc, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ mai sau .