Diện mạo mới ở huyện vùng cao Trạm Tấu

NDO- Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và phát huy nội lực đoàn kết của nhân dân, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đang từng bước được nâng lên và đổi thay từng ngày. Sự chuyển mình thành công đó đều nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Kiểm lâm Trạm Tấu kiểm tra rừng trồng.
Cán bộ Kiểm lâm Trạm Tấu kiểm tra rừng trồng.

Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu có diện tích tự nhiên hơn 74.300 ha, với 12 đơn vị hành chính xã, thị trấn; dân tộc H’Mông chiếm hơn 77% số dân, dân tộc Thái chiếm hơn 13,65% số dân. Địa hình phức tạp, đường đến trung tâm huyện vẫn là đường độc đạo. Vào mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định.

Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào cho biết, để đồng bào các dân tộc ổn định cuộc sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững, nhằm bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân, thực hiện mục tiêu “an dân”.

Huyện tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp với vùng cao. Theo đó, chỉ đạo tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, phát triển trồng rừng, trồng cây lương thực, chăn nuôi theo hướng bán tập trung, chuyên canh, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng sự nỗ lực của người dân, nhiều năm qua Trạm Tấu đã trồng mới gần 36.000 ha rừng, tập trung loại cây có giá trị kinh tế cao như 4.300 ha cây sơn tra (táo mèo), 300 ha cây pơ mu, hơn 100 ha cây gỗ lớn có giá trị trồng hỗn giao như de, dổi xanh, tô hạp… bước đầu hình thành và phát triển chuỗi kinh tế nông-lâm nghiệp.

Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu Đào Công Trình cho biết, muốn giữ rừng thì phải tạo sinh kế cho đồng bào dưới tán rừng, nếu không dựa vào dân thì việc cháy rừng, phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép sẽ xảy ra tràn lan như vài chục năm về trước. Nay, nhờ có Quỹ bảo vệ môi trường rừng hằng năm chi trả bình quân 16 tỷ đồng, với 6.180 hộ dân tham gia được hưởng lợi, góp phần đưa độ che phủ rừng của huyện đạt 61,4%. Anh Trình “bật mí’ thêm, để bảo đảm tiền đến đúng, đủ 100% người hưởng lợi, chúng tôi thông qua ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chi trả trực tiếp tại trụ sở xã, có sự giám sát của Ban quản lý rừng, công an và chính quyền địa phương.

Huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô trên đất dốc hơn 2.100 ha, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 15.000 tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Lê Chung Anh đánh giá, cái được lớn nhất của Trạm Tấu là chuyển đổi nhận thức của người dân từ bao cấp, cho không, sang tư duy kinh tế hàng hóa. Từ năm 2020, tỉnh Yên Bái không còn chính sách hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi cho vùng cao, người dân tự bỏ tiền để mua giống, tìm cách chuyển đổi kinh tế nhằm bảo đảm cuộc sống. Như việc đưa cây khoai sọ trên đất dốc vào trồng đại trà, trở thành hàng hóa có giá trị cao là một điển hình, bởi đây là cây bản địa, khi nấu chín có mùi thơm, dẻo, giá bán đạt 25.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá lúa. Do vậy, từ diện tích nhỏ lẻ, năm 2022 người dân đã tăng lên 400 ha, năm 2023 trồng mới 600 ha, với năng suất khoai sọ đạt 14 tấn/ha, người dân vùng cao thu về 16 tỷ đồng, trở thành một cây xóa đói giảm nghèo.

Những ngày đầu đông, hoa dã quỳ nở bung khoe màu vàng tươi trên vùng đất dốc Trạm Tấu, cũng là lúc đồng bào H’Mông nơi đây tích cực trồng cỏ voi, ngô sinh khối, trữ gần 3.500 cây rơm, bảo đảm đủ thức ăn mùa đông cho đàn đại gia súc lên tới 17.000 con trâu bò.

Cùng kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Minh Tâm ngược dốc cao về Xà Hồ, nơi có hơn 500 hộ H’Mông sinh sống trên các chòm bản như Trống Khua, Cu Vai, Tà Đằng, Sáng Pao, Suối Giao… Nhiều năm trước, người H’Mông trong xã chỉ cấy một vụ, với lý do rét ngại không xuống ruộng, nên lúa thu hoạch không đủ ăn, cuộc sống người dân thêm khó khăn vất vả.

Trước thực tế đó, các tổ công tác của tỉnh, của huyện đã cử cán bộ cầm tay chỉ việc, từ cách chọn giống, gieo mạ, cách dùng ni-lon che chắn rét, phòng bệnh cho lúa vụ xuân và trâu, bò. Đến nay, gần 160ha lúa trong xã được cấy hai vụ, đủ lương thực cho hơn 2.200 nhân khẩu.

Trên đỉnh Trống Khua, ngọn gió đầu đông ùa về lạnh buốt, gặp chị Vàng Thị Ca, 34 tuổi, chân đi ủng, tay cầm xẻng dọn chuồng chăm sóc đàn lợn và trâu sinh sản. Chị Ca cho hay, trước gia đình nghèo do trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Từ năm 2020 cả xã không còn được hỗ trợ nữa, được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn phòng bệnh, cách xây chuồng theo hướng ba cứng “Cứng nền, cứng mái, cứng khung”, gia đình được vay vốn với lãi suất thấp để mua ba con giống sinh sản. Sau gần 3 năm, đã bán được bốn lứa lợn, thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện, trong chuồng còn 20 lợn thịt, ba lợn nái, trâu nái vừa sinh thêm một nghé, nhờ vậy gia đình đã thoát nghèo, có của của để.

Diện mạo mới ở huyện vùng cao Trạm Tấu ảnh 1

Đồng bào H’Mông Trạm Tấu thu hoạch khoai sọ nương.

Với phương châm “trên dưới cùng làm”, những năm qua, Trạm Tấu đã kết hợp nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, tuyến giao thông lên núi, nối thôn xa với bản gần, vùng thấp với vùng cao, xóa đi rào cản giao thông.

Trong nhiều năm qua, huyện Trạm Tấu mở mới và nâng cấp hơn 900 km đường các loại, trong đó có 190 km đường bê tông và đường nhựa, xây dựng mới 3 cầu bê tông, 2 công trình cầu treo, 9 công trình cầu dân sinh. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% các thôn bản có đường xe máy đi lại được cả bốn mùa trong năm. Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 mét thuộc xã Xà Hồ trước là thách thức, nay trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch mạo hiểm và săn mây được nhiều người biết đến.

Nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng các nguồn lực khác đã và đang đem lại hiệu quả trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, giúp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là động lực thúc đẩy Trạm Tấu chuyển mình cùng sự đổi mới của đất nước.