Trồng ngô trên đất dốc thay lúa nương
Trên cung đường quanh co, khúc khuỷu, nhiều đoạn dốc xe máy không đi nổi, phải dắt bộ, tôi cùng Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, kỹ sư Nguyễn Thành Hưng xuống bản Mông để tìm hiểu việc triển khai đưa cây ngô vào trồng trên đất dốc. Qua những câu chuyện trên đường, gặp người dân trong các bản xa tít, thì được biết trước đây cả vùng Bản Mù, Túc Đán, Làng Nhì, Xà Hồ... trồng lúa nương một vụ cho năng suất thấp, chỉ đạt 1,2 tấn/ha, tính nhanh chỉ được bảy triệu đồng/năm, cho nên cái đói vẫn quẩn quanh bên những ngôi nhà người Mông.
Không để dân đói, đó là quyết tâm của Huyện ủy Trạm Tấu khi họp bàn chuyển đổi đất lúa nương một vụ sang trồng ngô hai vụ ăn chắc. Nói thì dễ, nhưng khi làm thì cần thời gian và phải chắc chắn thành công. Và rồi, 40 ha mô hình ở xã Pá Lau, vốn là diện tích đất cằn, dốc, ít nước, người Mông chưa từng trồng ngô ở đó, được cán bộ nông nghiệp "bốn cùng" với dân đưa ngô xuống đồi. Đồng thời, Huyện ủy phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện, lấy tuổi trẻ và dân quân các xã tham gia "đào gốc, bốc trà", cùng dân trong xã làm đất trồng ngô.
Cùng với đó, Huyện ủy tổ chức cho 69 già làng, người có uy tín trong huyện đi tham quan tại Hà Giang, tận mắt chứng kiến người Mông ở vùng này trồng ngô trên núi đá ra sao. Thấy cùng cảnh đồng bào mình cõng đất, cày trên núi đá, chăm chút từng mảnh nương ngô, để về nói với con cháu rằng: Nó đất cằn, khó hơn mình mà còn trồng được, thì bản mình chịu thua nó à, phải trồng ngô thay cho lúa nương thôi!
Năm đầu thành công, từ Pá Lau đến các xã Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Pá Hu..., đồng bào chuyển dần lúa nương sang làm ngô, nhất là ở bản Làng Mảnh (Tà Xi Láng) trồng được 15 ha ngô tốt đến nỗi khi thu hoạch phải gọi cán bộ huyện xuống giúp tiêu thụ, không thì "bắt đền" cán bộ vì làm ra không có nơi thu mua. Đến nay, 3.550 ha (có 950 ha ngô hai vụ) đạt năng suất 2,6 tấn/ha/vụ, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt hơn 21 nghìn tấn, giúp 30 nghìn khẩu toàn huyện đủ ăn, chấm dứt tình trạng đói giáp hạt.
Người dân phấn khởi tin cán bộ, ông Giàng A Rua ở bản Mo Nhang, xã Trạm Tấu duy trì hai ha ngô hai vụ, mua máy tẽ ngô kinh doanh, rồi xây sân chứa, mua ô-tô để đi thu mua ngô trong vùng. Bà Thào Thị Dở, bản Tấu Giữa có hơn một ha ngô trên đất dốc, nay trồng thêm băng cỏ chống xói mòn đất, nhờ đó hằng năm thu được hơn 22 triệu đồng từ cây ngô. Cái được ở Trạm Tấu là hoàn thành công tác điều chỉnh, sắp xếp đất nông nghiệp trên địa bàn huyện, có 280 hộ nhiều đất tự nguyện san sẻ cho 338 hộ thiếu đất sản xuất. Qua đó, các hộ dân trên địa bàn các xã cơ bản đều có đất sản xuất, ổn định cuộc sống, chấm dứt tình trạng du canh, du cư như từng diễn ra trong thời gian trước.
Đưa trẻ đến lớp thành công
Trưởng phòng Giáo dục huyện, thầy giáo Phạm Mạnh Tưởng phấn khởi nói: Năm học 2016 - 2017 toàn huyện có 26 trường, 349 lớp với gần 11 nghìn học sinh các cấp. Tỷ lệ ra lớp mầm non đạt 101,1% so với kế hoạch; các bậc học khác đạt 98% là nhờ làm tốt công tác vận động đưa trẻ đến trường. Nếu cách đây không lâu, cảnh mẹ địu con lên nương, hay cảnh trẻ bỏ học diễn ra nhiều, thì bằng công tác vận động, thuyết phục, với công sức tâm huyết của đội ngũ giáo viên cắm bản, nhất là khi phát động "Kho thóc khuyến học" lo cái ăn cho trẻ, tỷ lệ trẻ ra lớp đạt cao.
Mọi việc xuất phát từ thực tế, bảy năm về trước, Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh (nay là Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) thấy bất cập trong việc học sinh bán trú thì được Nhà nước hỗ trợ cấp gạo, còn trẻ học thường thì không có gì ăn, cho nên đến lớp bập bõm. Bí thư Huyện ủy trăn trở nhiều đêm và được các đảng viên ủng hộ, liền phát động trong cán bộ huyện mỗi người đóng góp hai ngày lương, rồi kêu gọi mọi người, mọi tổ chức hảo tâm, phát động trong các dòng họ hiếu học, góp tiền, góp thóc nuôi trẻ xây dựng Quỹ kho thóc khuyến học. Ban đầu được 200 triệu đồng và gần 20 tấn thóc, đủ nuôi các cháu học sinh. Rồi thành nếp, quỹ này được duy trì bổ sung hằng năm, năm học 2016 - 2017, dư quỹ hơn 165 triệu đồng; kho thóc khuyến học còn gần 156 triệu đồng, cơ bản giúp các trường học có đủ gạo cho học sinh ăn trưa ngoài định mức nhà nước cấp.
Được học cái chữ nhiều thì cuộc sống mới được cải thiện, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu đeo bám ở vùng cao này. Nếu trước đây, khi gia đình có người chết thì mỗi con trai phải góp một trâu hoặc bò làm ma kéo dài hằng tuần. Cái khó của phong tục lâu đời này là mỗi lần mổ một con trâu thì thầy mo (thầy cúng) được chia một đùi, cho nên thầy mo không muốn người nhà chôn cất sớm để còn hưởng lợi.
Để làm gương xóa hủ tục cũ, đảng viên Sùng A Trống, nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu trước khi chết viết di chúc được chôn trong quan tài, là người đầu tiên phá lệ của tập tục lạc hậu người Mông vùng cao này. Sau khi làm ma xong cả năm, không thấy bất cứ điều xấu gì xảy ra với gia đình, dù thầy mo vận nhiều lý lẽ chống đối, Huyện ủy quyết định mỗi đám ma hỗ trợ năm triệu đồng cho gia đình để mua quan tài, đồng thời vận động chôn trước 48 giờ, được đồng bào thực hiện.
Từ năm 2013 đến nay, đã có 236 đám ma người chết được đưa vào quan tài và chôn trước 48 giờ; có 531 đám cưới thực hiện nếp sống văn hóa mới, không thách cưới, không tổ chức ăn uống kéo dài nhiều ngày, là thực tế sinh động của công tác vận động quần chúng của Trạm Tấu. Cái được lớn nhất của vùng cao này là từ năm 2012 đến nay, đồng bào Mông trên địa bàn đã ăn chung một Tết vào dịp Tết Nguyên đán, không tổ chức đón Tết trước một tháng như trước đây. Đây là một thắng lợi của công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa dồn sức cho sản xuất vụ xuân.
Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về vị trí quan trọng của công tác dân vận là động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, điều kiện để đồng bào thực hiện quyền làm chủ của mình, góp phần ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo đã được Trạm Tấu vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tế ở địa phương. Giữ dân, giữ rừng, công khai minh bạch các chương trình, dự án theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện để vùng cao này vươn lên, là một bài học cần được nhân rộng trong vùng Tây Bắc.