Ðổi mới ở huyện vùng cao Trạm Tấu

Nhờ những hỗ trợ từ các dự án, chương trình của Ðảng, Nhà nước như: Chương trình 30a và 135 cùng sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền trong tỉnh đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có điều kiện phát triển sản xuất. Cuộc sống của người dân dần ổn định, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc đã giúp người dân xã Xà Hồ, Trạm Tấu (Yên Bái) nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc đã giúp người dân xã Xà Hồ, Trạm Tấu (Yên Bái) nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bản Mù nằm trong số những xã có 100% số dân là đồng bào Mông sinh sống, đời sống còn khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao và vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu. Nhằm làm chuyển biến căn bản vùng đặc biệt khó khăn, ổn định đời sống người dân, Huyện ủy, UBND huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở chính trị đối với xã Bản Mù, giai đoạn 2016 - 2018. Bí thư Ðảng ủy xã Bản Mù Giàng A Phông cho biết: Trước đây, các đoàn thể của xã hoạt động kém hiệu quả, cho nên công tác phát triển đảng viên mới gặp nhiều khó khăn; các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng như khai thác gỗ, đốt nương gây cháy rừng không kiểm soát được triệt để... Khi Ban Chỉ đạo về cơ sở đã làm thay đổi tình hình, cán bộ yếu được thay thế, các hoạt động đi vào nền nếp, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Việc khai hoang mở rộng diện tích trồng cây lương thực trên địa bàn được đặt lên hàng đầu. Ðược sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong tỉnh, nhất là Chương trình 135 giúp hỗ trợ giống lúa, ngô, phân bón đã phát huy hiệu quả. Sản lượng lương thực tăng dần theo từng năm. Hiện nay, toàn xã có 983 ha cây lương thực (tăng 153 ha so với năm 2015), người dân từ chỗ cấy một vụ lúa nước nay đã làm hai vụ lúa, vì thế sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 3.200 tấn, tỷ lệ hộ cứu đói giáp hạt giảm hẳn. Ðặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện và Ban Chỉ đạo, đã hạn chế cơ bản việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép, việc trồng rừng sản xuất đem lại hiệu quả với 264 ha cây sơn tra, 15 ha chè shan, hơn 7.400 ha rừng trong xã được giao đến nhóm hộ dân nhận khoán bảo vệ, người dân có thu nhập cho nên yên tâm với nghề rừng.

Chia sẻ về những đổi mới ở xã Bản Mù, thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Trạm Tấu Phạm Ðăng Khoa khẳng định: Thành công của Ban Chỉ đạo là huy động được hơn 90% số trẻ trong độ tuổi đến lớp; tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thách cưới. Từ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, ý thức được mặt trái của các hủ tục lạc hậu, chủ động tham gia xây dựng nếp sống văn hóa tại thôn, bản. Trước đây, đồng bào dân tộc Mông ăn Tết kéo dài suốt một tháng thì từ năm 2014 đến nay, bà con chỉ tổ chức đón Tết trong ba ngày, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, tránh lãng phí. Trong ba năm (2016 - 2018), Ðảng bộ xã cử 48 quần chúng ưu tú học lớp bồi dưỡng, qua đó đã kết nạp 38 đảng viên mới, đưa tổng số đảng viên toàn Ðảng bộ lên 138 đồng chí, qua đánh giá chất lượng tổ chức đảng, năm 2018, Ðảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không chỉ xã nghèo Bản Mù "thay da đổi thịt", trong 5 năm gần đây, từ các nguồn vốn Chương trình 30a, 135, nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư hơn 177 tỷ đồng, huyện Trạm Tấu thực hiện nâng cấp và xây dựng mới
50,28 km đường bê-tông, mở mới 329,5 km đường đất, các ngầm, tràn, cầu treo cơ bản đáp ứng giao thông trong mùa mưa, lũ. Cơ chế làm đường giao thông nông thôn là giao cho xã làm chủ đầu tư, tùy theo điều kiện các xã có thể chỉ đạo người dân trực tiếp thi công hoặc thuê doanh nghiệp thi công. Huyện Trạm Tấu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, huy động nhân lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Tuyến đường từ xã Hát Lừu đi bản Cu Vai, xã Xà Hồ được thiết kế theo đường cấp A giao thông nông thôn, mặt đường rộng 3 m, được thi công từ cuối năm 2018 và đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Với tổng vốn đầu tư gần năm tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, tuyến đường hoàn thành, giúp việc đi lại của người dân địa phương thuận lợi hơn. Trước đây, con đường mòn rộng chừng hơn 1m, cua tay áo dốc đứng cho nên đi lại rất vất vả, nhất là ngày mưa thì khó khăn nhân lên gấp bội. Anh Mùa A Chờ ở bản Cu Vai chia sẻ: Có con đường mới cho nên đi xe máy dễ dàng hơn, từ nhà xuống trung tâm huyện giờ chỉ mất gần 20 phút, chứ trước đây là cả giờ đi xe đấy! Bản định cư Cu Vai nằm vắt ngang dãy núi cao, các nhà lợp gỗ pơ-mu nằm dọc trên một trục đường chính, thuận lợi cho việc kéo điện lưới, cấp nước sạch tập trung. Cách đây hơn 10 năm, bản cũ bị trượt sạt núi gây nguy hiểm đến cuộc sống, Nhà nước đã hỗ trợ san gạt mặt bằng, kéo điện lưới quốc gia, đưa nước sạch, cấp đất tái định cư, lập bản mới Cu Vai ngày nay. Giờ đây người Mông trong bản đã ổn định cuộc sống, không còn tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương, rẫy như trước nữa.

Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Trần Ngọc Luận cho biết: Là một trong 63 huyện nghèo nhất nước, Trạm Tấu đang nỗ lực khai thác các lợi thế của mình, đưa các nhà máy thủy điện Nậm Ðông 3, Nậm Ðông 4, Trạm Tấu, Pá Hu, Hát Lừu hòa vào lưới điện quốc gia. Làm tốt việc chi trả dịch vụ rừng cho dân, qua đó tăng độ che phủ rừng đạt hơn 64%, trong đó dưới tán rừng trồng hơn 3.700 ha cây sơn tra (đến nay đã có 1.000 ha cho thu hoạch quả).