THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Đổi thay ở vùng cao Trạm Tấu

Là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, Trạm Tấu đã có nhiều chuyển biến về xóa đói, giảm nghèo, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, diện mạo của huyện Trạm Tấu thay đổi rõ rệt, cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi bò bán chăn thả, đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
Mô hình nuôi bò bán chăn thả, đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Những ngày này, hoa dã quỳ nở bung khoe mầu vàng tươi trên vùng đất dốc Trạm Tấu, cũng là lúc đồng bào H’Mông nơi đây dồn sức thu hoạch vụ khoai sọ nương. Cùng kỹ sư nông nghiệp Tráng A Của, chúng tôi ngược dốc cao về Xà Hồ, một xã đặc biệt khó khăn, với hơn 500 hộ đồng bào H’Mông sinh sống trên các chòm bản như: Cu Vai, Sáng Pao, Suối Giao...

Những năm trước, xã Xà Hồ chỉ cấy một vụ, lúa thu hoạch không đủ ăn, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn vất vả. Trước thực tế đó, các tổ công tác của tỉnh, của huyện đã cử cán bộ "cắm bản" ba cùng với dân, hướng dẫn tỉ mỉ từ cách chọn giống, gieo mạ, cho đến cách che chắn rét, phòng bệnh cho lúa vụ xuân và trâu, bò. Đến nay, gần 160ha lúa trong xã được cấy hai vụ, đủ thóc cho hơn 2.200 nhân khẩu. Qua khuyến nông, người dân đã chuyển một phần diện tích trồng lúa thuần, nhị ưu 838 sang trồng giống lúa ĐS1và tẻ đỏ, có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập khá hơn.

Tại bản Sáng Pao, chúng tôi gặp anh Giàng A Vàng và vợ là Chớ Thị Pla vừa trên nương về, trên lù cở (gùi) đầy khoai sọ nương. A Vàng cho biết: "Mấy năm trước, gia đình tôi được cán bộ chỉ cho cách trồng khoai sọ nương thay cho lúa nương năng suất thấp. Cây khoai hợp với đất dốc, trồng ngay sau Tết và sau chín tháng cho thu hoạch, năng suất đạt 14 tấn/ha, giá bán khá cao. Năm nay, nhà tôi chuyển hẳn sang trồng khoai sọ với diện tích gần 1 ha. Với giá bán hiện nay, dự kiến sẽ thu về hơn 100 triệu đồng/năm".

Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Dương, cán bộ khuyến nông xã khẳng định, người dân giờ không còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ Nhà nước như trước nữa. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, gần 1.900 con trâu, bò của xã đều sinh trưởng tốt, tạo nguồn thu nhập khá, giúp đồng bào xóa nghèo. Năm 2022, huyện Trạm Tấu trồng hơn 400ha cây khoai sọ nương, kế hoạch sang năm tới sẽ trồng mới 600ha, trở thành cây chủ lực xóa nghèo trên vùng đất còn khó khăn này.

Cùng với chuyển đổi cây, con, giống mới theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Trạm Tấu còn chú trọng công tác phát triển và bảo vệ rừng. Với gần 46.000ha rừng, trong đó hơn 33.000ha là rừng phòng hộ. Ngay trước mùa khô hanh, huyện đã thành lập 12 ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững ở các xã, thị trấn và chủ rừng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Các xã, thị trấn, thành lập 12 tổ cơ động bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với tổng số 252 thành viên; các thôn, bản đã thành lập 55 tổ đội với tổng số 636 người tham gia. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các xã, thị trấn rà soát xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với điều kiện địa phương; trong đó, chú trọng việc chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, thiết bị sẵn sàng dập lửa nếu xảy ra cháy rừng; đồng thời, xây dựng lịch trực, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ".

Nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của người dân đã tạo nên đổi thay tích cực trên mảnh đất vùng cao này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Vũ Lê Trung Anh.

Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu Đào Công Trình đánh giá, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy rừng, số vụ cháy và diện tích thiệt hại đã giảm đáng kể. Niên vụ khô hanh năm 2021-2022, trên địa bàn huyện không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Người dân an tâm với việc giữ rừng, không còn tình trạng rừng vô chủ, đốt làm nương rẫy bừa bãi như những năm về trước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Vũ Lê Trung Anh khẳng định, nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của người dân đã tạo nên đổi thay tích cực trên mảnh đất vùng cao này. Trạm Tấu đang hướng tới làm giàu nhờ khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế "không khói". Đó là quảng bá các địa danh như: nước khoáng nóng Trạm Tấu, chốn bồng lai tiên cảnh bản Cu Vai, săn mây trên đỉnh khủng long Tà Chì Nhù, thác nước Háng Đề Chơ... thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài tìm đến tham quan, trải nghiệm.

Nhờ đó, các sản vật địa phương như: gà đen, lợn "cắp nách", gạo nương nếp Séng Cù, thịt trâu sấy, khoai sọ nương, chè shan tuyết Phình Hồ... do người dân làm ra sẽ có đầu ra ổn định, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào nơi đây.