Điểm nhấn từ công tác dân vận

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền của Hà Nội đã chọn những việc trọng tâm, trọng điểm như công tác giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, thu thuế... để tạo sự chuyển biến rõ nét. Ðây là những kinh nghiệm quan trọng cho công tác dân vận của thành phố đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Thất với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân năm 2022. (Ảnh Nguyễn Hiền)
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Thất với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân năm 2022. (Ảnh Nguyễn Hiền)

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho biết, năm 2022, quận đã triển khai giải phóng mặt bằng 35 dự án, thu hồi hơn 445 nghìn mét vuông đất, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 14,7 nghìn tỷ đồng.

Tạo chuyển biến cụ thể

Trước khi triển khai giải phóng mặt bằng các dự án, các đơn vị chức năng của quận đã tiến hành công khai dân chủ, minh bạch những nội dung liên quan để người dân trong khu vực, những người có quyền lợi liên quan được biết theo đúng quy định của Luật Ðất đai và các văn bản hướng dẫn. Quận đã thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hợp tác, chấp hành kê khai nhà đất, tài sản trên đất; nhân rộng và phát huy những gương điển hình “Dân vận khéo” trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng...

Nhờ triển khai tốt Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, cho nên thời gian qua, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân được nâng lên; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất được bảo đảm; các kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời, thông qua đó tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn quận được bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của quận và thành phố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ðống Ða Lê Tuấn Ðịnh chia sẻ, quận tập trung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách hành chính, mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng thực hiện cải cách hành chính. Ðến nay, 95% người nộp thuế đã khai và nộp thuế theo phương thức điện tử. Quận cũng thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử với 2.772 hộ kinh doanh trên địa bàn, 72% hộ cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng ứng dụng thuế điện tử cài đặt trên điện thoại thông minh (eTax Mobile); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng của quận hiện đạt xấp xỉ 100% và tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%. Nhờ đó, năm 2022, quận thu ngân sách đạt gần 12.200 tỷ đồng, bằng 111,7% so với năm 2021.

Công tác dân vận của thành phố cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp giám sát 4.468 cuộc; tổ chức 653 hội nghị phản biện và 79 hội nghị góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền... Thực hiện Quyết định số 2200-QÐ/TU ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với nông dân và phụ nữ Thủ đô; đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân lao động. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cũng đã tham gia 4.653 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Tăng hiệu quả dân chủ từ cơ sở

Công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở luôn được thành phố coi trọng. Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã tiến hành kiểm tra 18 cơ quan, địa phương về việc triển khai dân chủ tại cơ sở. Ban Dân vận Thành ủy chủ động tham mưu các văn bản triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nổi bật là thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”...

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Ðỗ Anh Tuấn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 là bảo đảm quyền lợi của nhân dân khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án lớn, nhất là triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Phát huy dân chủ ở cơ sở, Ban Dân vận Thành ủy sẽ tập trung triển khai những giải pháp cụ thể, bảo đảm bàn giao mặt bằng các dự án lớn đúng thời hạn cũng như bảo vệ các quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến giao nhiệm vụ các địa phương, đơn vị cần tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện phòng, chống tham nhũng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn thành phố trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tiếp tục chủ động phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Ðảng, chính quyền; gắn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện những nhiệm vụ chính trị của thành phố để góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2023.