Ðịa đạo Củ Chi anh hùng

"Trải tấm lòng son vì đất nước, Ðem dòng máu đỏ giữ quê  hương

Lòng biết công ơn nhang thơm một nén

Ðời còn bóng dáng sao sáng  ngàn năm"

Ðó là những câu đối của nhà thơ "Bảo Ðịnh Giang" tại đền Bến Dược, kính viếng hàng trăm nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, nằm lại tại vùng Củ Chi và Ðịa đạo Củ Chi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

Ðịa đạo Củ Chi được các lực lượng du kích và nhân dân tạo thành từ khoảng những năm từ 1946-1948, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian đầu hình thành, quân và dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An (Củ Chi) đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Ðến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ 1961 - 1965, các xã nằm ở phía bắc huyện Củ Chi đã hoàn thành địa đạo liên kết nhau trong lòng đất, gọi là "xương sống". Mọi sự chỉ huy của du kích, bộ đội vũ trang, nơi trú ẩn, giao liên, hành quân... cả cứu thương cho bộ đội và nhân dân đều từ trong lòng địa đạo. Từ tuyến địa đạo đầu tiên, quân - dân Củ Chi đào liên thông nối nhau và đến năm 1965, khoảng 200 km đường địa đạo đã hình thành, phục vụ cho cuộc kháng chiến. Nay nhìn bên trên mặt đất, còn thấy cả một vành đai giao thông hào chằng chịt, nối kết với địa đạo nằm sâu dưới lòng đất. Và không thể không bất ngờ, khi đi xuống, mới thấy trong lòng địa đạo, sự vững vàng để chiến đấu cũng như trú quân, an nghỉ... cũng được đào sâu trong lòng đất, chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách, quanh co trong suốt 200 km, với ba tầng sâu khác nhau. Tầng trên cách mặt đất khoảng ba mét, tầng giữa cách mặt đất khoảng sáu mét, tầng dưới cùng sâu hơn 12 mét... Ðể giữ thế trận hàng chục năm ròng, bên trên địa đạo quân - dân Củ Chi xây thêm nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... và được bố trí thành các cụm liên hoàn, tạo thế trận  vững chắc trong lòng đất, của chiến tranh nhân dân.

Từ trong lòng đất, từ nhiều tầng, nhiều ngõ ngách quanh co của địa đạo, quân - dân Củ Chi và Sài Gòn - Gia Ðịnh đã vững vàng trước mỗi trận càn của địch. Sau chiến tranh, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo bảo toàn nguyên vẹn và tu bổ thường xuyên. Ðây là một Di tích lịch sử cấp Quốc gia, mỗi năm đón hàng trăm nghìn du khách đến tham quan, để hiểu thêm về hai cuộc chiến tranh thần thánh, và người Việt Nam đã trả lời những kẻ xâm lược.  Ngoài ra, để ghi nhớ công lao của những người con từ mọi miền đất nước, đền Bến Dược nằm ngay vùng địa đạo Củ Chi là một tổng thể các khu nhà thờ, với tấm bia đá lớn được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn (Ðà Nẵng) chạm khắc những hoa văn độc đáo trong nét văn hóa dân tộc. Ðền thờ 44 nghìn 379 tấm bia ghi công những anh hùng, liệt sĩ từ mọi miền đất nước hy sinh anh dũng vì Tổ quốc trên đất Củ Chi này. Ðáng chú ý, trên tấm bia đá lớn còn khắc bài thơ của nhà thơ Viễn Phương và bài thơ đó được ví như bản hùng ca về đất và con người Củ Chi bất khuất.

Hồn người và đất Củ Chi đang thấm vào từng mạch đất của người Sài Gòn - Gia Ðịnh. Bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh luôn quật khởi, dù có đi trước về sau, vẫn vững vàng từ trong lòng đất vươn lên để chiến đấu và chiến thắng mọi quân thù.