Dẻo thơm xôi Phú Thượng

Mảnh đất Kẻ Gạ (làng Phú Gia xưa, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) có nghề nấu xôi lâu đời. Sự khéo léo, cần cù của những người phụ nữ nơi đây giúp xôi Kẻ Gạ trở thành một món quà vừa ngon, vừa rẻ của người Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội Xôi Phú Thượng 2024.
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội Xôi Phú Thượng 2024.

Nghề cổ truyền xưa nay đã lan tỏa khắp cả phường Phú Thượng, với 600 hộ làm nghề nấu xôi. Nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã được xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khi cả thành phố vẫn chìm trong giấc ngủ say, hàng trăm hộ dân ở Phú Thượng đã sáng đèn, bắt đầu một ngày làm việc. Ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho mẻ xôi mới.

Nhà nhà đỏ lửa, những chõ xôi cỡ đại tỏa khói nghi ngút. Khoảng 5 giờ sáng, những chiếc ô-tô, xe máy bắt đầu chở xôi thành phẩm tỏa đi khắp những nẻo đường của thành phố, phục vụ cho bữa sáng của người dân Thủ đô.

Xưa kia, nghề nấu xôi xuất phát từ làng Phú Gia, rồi phát triển thành nghề truyền thống ở cả phường Phú Thượng, với khoảng 600 hộ làm nghề nấu xôi. Có đến 95% lao động của nghề nấu xôi là phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng Nguyễn Thị Tuyến cho biết: "Nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã có hàng trăm năm nay. Từ nhiều năm trước, các cô, các bà thổi xôi bằng chõ đất, rồi đi bán rong dọc phố phường Hà Nội. Ngày nay người dân Phú Thượng vẫn tiếp nối truyền thống đó. Chúng tôi tự hào vì kỹ thuật chế biến giúp xôi Phú Thượng không những dẻo thơm, mà còn phong phú về chủng loại. Ðiều đó giúp mang lại thu nhập ổn định cho người dân và phát triển kinh tế địa phương".

Ở Phú Thượng, hầu như gia đình nào cũng coi nghề nấu xôi là nghề gia truyền, tối thiểu cũng có vài ba thế hệ nối nghiệp nhau làm nghề.

Nếu các hàng quán xôi ở trong thành phố mỗi ngày bán một vài chục cân gạo nấu xôi, thì ở Phú Thượng, những gia đình mỗi ngày nấu 10 đến 20 kg gạo xôi chỉ là số ít. Các hộ trung bình cũng nấu tới 30-40 kg gạo xôi các loại từ xôi lạc, xôi đỗ cho đến xôi vò, xôi ngô.

Mỗi ngày "làng xôi" Phú Thượng sử dụng hết khoảng 10 tấn gạo để nấu xôi. Vào các ngày mồng 1, rằm, lễ, Tết, lượng xôi sẽ tăng gấp mấy lần so với ngày thường. Mùa cưới cũng là mùa làm ăn với người dân Phú Thượng khi lượng đặt hàng thường tăng đột biến vào những dịp cuối tuần.

Ðể làm ra món xôi Phú Thượng dẻo, thơm phải rất kỳ công, kỹ lưỡng từ khâu chọn, vo gạo, đồ xôi. Tất cả các khâu, công đoạn đều phải rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng, chỉ cần sơ sẩy, hay làm ẩu một công đoạn nào thì chõ xôi đó coi như bị hỏng. Chính vì vậy mà gạo để đồ xôi Phú Thượng phải là loại gạo mới, nếu ngày mai đồ xôi thì hôm nay mới xát gạo.

Muốn đồ được xôi ngon cần vo gạo thật sạch. Tùy theo kinh nghiệm của mỗi gia đình và chủng loại xôi mà thời gian ngâm có thể khác nhau. Sau khi ngâm tiếp tục mang ra vo, đãi đến khi nước thật trong. Xôi Phú Thượng được đồ hai lần. Lần một, người ta dỡ ra rổ, lấy đũa đảo đều để cho hạt xôi ráo. Sau một thời gian nhất định thì sẽ đồ lần hai. Bởi thế, hạt xôi Phú Thượng luôn căng mọng.

Một đặc điểm khác của xôi Phú Thượng là để qua ngày nhưng cũng vẫn giữ được độ thơm, dẻo. Ðó chính là bí quyết làm nghề của người Phú Thượng. Bà Mai Thị Thanh về làm dâu Phú Thượng đã mấy chục năm nay. Sau khi về làm dâu được mấy ngày thì mẹ chồng bà bắt đầu dạy nghề. Thấm thoắt bà đã gắn bó với nghề đồ xôi được hơn 30 năm.

Hiện nay, để lan tỏa, giới thiệu nét tinh hoa, sự cầu kỳ trong cách làm, chế biến món xôi Phú Thượng, nhiều người trẻ nơi đây đã và đang mở lớp dạy làm xôi trực tiếp và online. Ðây cũng là cách để quảng bá sản phẩm xôi Phú Thượng rất hiệu quả. Nhiều người học nghề để thử làm theo, nhưng cũng qua lớp học mà họ hiểu thêm về món xôi Phú Thượng, từ đó, trở thành khách hàng trung thành với nghề nấu xôi.

Bà Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ: "Việc các cháu trong phường mở lớp dạy làm xôi online khiến chúng tôi rất vui, bởi đây là cách chúng tôi giữ lửa làng nghề và quảng bá sản phẩm. Với cách làm này, tôi tin rằng sản phẩm xôi Phú Thượng sẽ ngày càng được giới thiệu rộng rãi, giúp cho nghề phát triển bền vững hơn".

Nghề nấu xôi Phú Thượng không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình mà mới đây còn được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh chia sẻ: "Xôi là món ăn phổ biến ở khắp các vùng, miền của Việt Nam. Nhưng bí quyết của xôi Phú Thượng để cho hạt mọng, để qua ngày hạt xôi vẫn dẻo, thơm, xôi dẻo mà lại không nát, không dính tay... Ðó chính là tri thức dân gian về nghề nấu xôi cổ truyền mà chúng ta cần gìn giữ, tôn vinh từ khía cạnh di sản".