Để văn hóa giao thông đi vào nền nếp

Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa giao thông tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực khi người dân đã có ý thức hơn, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm cũng đã giúp nhiệm vụ này từng bước đi vào nền nếp.
0:00 / 0:00
0:00
Khi không có lực lượng công an, các phương tiện xếp hàng dài đi ngược chiều trên đường Nguyễn Xiển mở rộng. (Ảnh NGỌC LINH)
Khi không có lực lượng công an, các phương tiện xếp hàng dài đi ngược chiều trên đường Nguyễn Xiển mở rộng. (Ảnh NGỌC LINH)

Ðể khắc phục tình trạng lòng đường Nguyễn Xiển bị thu hẹp do đang thi công dự án xử lý nước thải, một làn đường mới được mở dưới gầm đường Vành đai 3 trên cao từ ngã tư Nguyễn Trãi và Nguyễn Xiển hướng về phía khu vực Linh Ðàm. Tuy nhiên, ngay khi đưa vào hoạt động làn mới này, để tránh phải chờ đèn tín hiệu giao thông ở nút giao Nguyễn Xiển-Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm, nhiều người đã điều khiển xe máy đi ngược chiều vào đoạn đường mới mở, bất chấp nguy hiểm. Ðể xử lý triệt để, đơn vị đã cho cắm chốt tại khu vực dải phân cách đường Vành đai 3 đối diện ngõ 214 Nguyễn Xiển, đoạn đầu tiếp giáp với tuyến đường mới mở để nhắc nhở và xử lý trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, chỉ cần vắng lực lượng chức năng là vi phạm lại tái diễn.

Không chỉ tại đường Nguyễn Xiển, nhiều tuyến đường khác trong khu vực nội đô Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tình trạng người dân vô tư đi ngược chiều cho tiện. Ðiều này không chỉ tạo ra những hình ảnh xấu về giao thông, mà còn gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện khác. Như ở đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), đoạn gần Trường đại học Thương mại nối đến phố Dương Khuê luôn xuất hiện tình trạng xe máy, xe đạp đi ngược chiều. Nếu phương tiện đi từ đường Hồ Tùng Mậu để rẽ vào phố Dương Khuê thì phải đi thẳng đến ngã tư Hồ Tùng Mậu-Lê Ðức Thọ rồi quay đầu. Tuy nhiên, nhiều người đã rẽ ngay từ lối rẽ vào Trường đại học Thương mại rồi đi ngược chiều một đoạn khoảng 200m để rẽ trái vào phố Dương Khuê. Ðiều này gây nên cảnh tắc đường cục bộ, thậm chí xảy ra va chạm giao thông. Chị Lê Thị Vân ở Cầu Diễn cho biết: "Ðã có lần tôi suýt bị ngã vì xe đi ngược chiều mà đi rất nhanh, khiến tôi vội vàng phanh gấp, rất nguy hiểm".

Dự án thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi cũng cho thấy, thói quen tùy tiện, thiếu ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông vẫn đang khá phổ biến trong đời sống xã hội. Ðó là hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia... Việc thí điểm phân làn phương tiện nhằm mục đích hình thành thói quen chấp hành quy định, từ đó hình thành văn hóa giao thông an toàn, vì thế cần được thực hiện một cách kiên trì.

Thực tế cho thấy, để tạo dựng văn hóa giao thông không thể trong ngày một, ngày hai và cần sự kiên trì từ cả hai phía là cơ quan quản lý cũng như chính người dân. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm cũng là giải pháp cần đẩy mạnh. Ðiều này thể hiện rõ từ việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong thời gian gần đây.

Theo lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, trong quý I/2023, đơn vị đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt 148,3 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ðiều đáng mừng là đánh giá sơ bộ cho thấy, ba tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, giảm cả ba tiêu chí so với quý IV/2022; giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều địa bàn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác tham mưu, triển khai các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Thiếu tá Phạm Ðức Ngọc, Phó Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) nhận xét, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn ngày càng ít, khi lực lượng chức năng dừng hàng trăm phương tiện mới phát hiện sai phạm, chứng tỏ ý thức người dân đã được nâng cao. Trong quá trình làm nhiệm vụ, ngoài việc kiên quyết xử lý sai phạm, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Ðã từng bị xử phạt khá nặng vì lỗi trên, anh Lê Văn Tùng ở quận Cầu Giấy cho biết: "Sau khi bị xử phạt vì cả nể uống chén rượu với bạn bè trong buổi họp lớp, tất cả chúng tôi thống nhất sẽ không lái xe khi đã sử dụng bia, rượu".

Ðại tá Trần Ðình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, kết quả này cho thấy, hiệu quả của việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn mà thành phố đang thực hiện. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, để xây dựng văn hóa giao thông cần thượng tôn pháp luật và sự hiểu biết của người tham gia giao thông. Bằng các biện pháp quyết liệt như xử lý nghiêm cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm, can thiệp khi xử lý nồng độ cồn và các lỗi vi phạm giao thông đã thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị Thủ đô. Từ việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Thủ đô.