So với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng thờ Mẫu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tính đến năm 2016, thành phố có 210 đền, 892 điện thờ Mẫu. Trong đó, có đến 886 điện thờ Mẫu tư nhân. Con số này đang tiếp tục tăng lên. Các di tích vốn không phải thờ Mẫu nhưng gần đây, các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được đưa vào phối thờ. Hầu đồng là nghi lễ mà các vị thần, thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu nhập vào các thanh đồng. Cùng lời hát của cung văn, các động tác vũ đạo trong hầu đồng rất hấp dẫn cho nên thu hút công chúng. Đây cũng là lý do thời gian gần đây, rất nhiều nơi xuất hiện hầu đồng, thậm chí được đưa lên sân khấu bán vé thu tiền. Tuy nhiên, sự phát triển nở rộ đã kèm theo những biến tướng về nhiều mặt: Nghi lễ, vũ đạo, trang phục, lời hát...
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam Phạm Tứ cho biết, hiện tượng hầu đồng lan tràn ở nhiều nơi. Hầu đồng cả ở chùa, ở đình, các sư tham gia hầu đồng, bật loa đài hết cỡ khiến hầu đồng mất đi sự tao nhã. Cách ăn mặc, đi đứng, nói cười trong hầu thánh cũng theo một nguyên tắc cực kỳ chặt chẽ, thể hiện tính khác biệt, sự tự tôn dân tộc. Các trang phục hầu đồng, trang sức, mầu sắc, mũ áo, thắt lưng từ xưa đã được chuẩn hóa. Hiện nay, nhiều lễ phục bị thay đổi thái quá, khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục đó là vị thần nào. Về âm nhạc, có những nơi đưa cả âm nhạc dân tộc Tây Bắc, hay những ca khúc cách mạng, trữ tình... vào hát văn. Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, trước đây những người được cho là có “căn số” thì mới hầu đồng. Nhưng gần đây lại xuất hiện một số người giàu có, có nhu cầu thể hiện, coi lên đồng là một thú ăn chơi, khoe của. Không ít người muốn thông qua hầu đồng để kinh doanh làm giàu.
Bên cạnh đó, việc sân khấu hóa hầu đồng cũng có chiều hướng quá đà. Một số nhà hát đưa hầu đồng lên sân khấu, có những cải biến nhất định để phù hợp. Song, đã xuất hiện tình trạng “cà-phê hầu đồng”, làm dung tục hóa những nghi lễ linh thiêng. Không chỉ giới nghiên cứu, nhiều thanh đồng cũng bất bình trước thực trạng này.
Trong lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự biến đổi, dung nạp những nhân tố mới để thích ứng xã hội. Chẳng hạn như tích hợp một số yếu tố của đạo Phật, đạo Lão, thay đổi để phù hợp với văn hóa truyền thống, với nhu cầu của người dân từng vùng, miền… Đây là điều khiến tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sức sống mạnh mẽ. Nhưng những biến đổi chóng mặt gần đây cho thấy, cần có sự can thiệp, quản lý, để có những nhân tố mới phù hợp, không làm sai lạc văn hóa truyền thống. Chẳng hạn, “khăn chầu áo ngự” ngày nay đẹp hơn, cầu kỳ hơn đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp. Song, cần cảnh giác với việc đưa những trang phục quá hiện đại, hoặc vay mượn chi tiết của nước ngoài. Việc đưa lên sân khấu hầu đồng đã góp phần phổ biến nghi lễ này, phổ biến làn điệu hát văn. Tuy nhiên, có những nghi thức cần giữ nguyên, chẳng hạn như không quay lưng, không giơ vũ khí về phía ban công đồng. Có những nghi thức cần thay đổi vì đó là biểu diễn chứ không phải hầu thánh…
Tại cuộc hội thảo “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển” do Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức mới đây, các nhà khoa học, các chuyên gia và cả nhiều thanh đồng, cung văn đã tập trung phân tích làm sao để tín ngưỡng thờ Mẫu thích ứng được xã hội đương đại. Thanh đồng Nguyễn Thị Thìn (quận Ba Đình) cho rằng, cần tuyên truyền, tập huấn kiến thức văn hóa cho ban quản lý các di tích, các ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử để họ có định hướng khi thực hành. Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm hầu đồng ở những di tích không phải nơi thờ Mẫu.
Là một tín ngưỡng dân gian, tuy có một số quy chuẩn nhất định, nhưng nhìn chung tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn mang tính tự phát, chưa có tổ chức chặt chẽ. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này chủ yếu dựa vào Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, song, chưa bao quát hết được đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Phó Giáo sư Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, để tránh sự biến tướng, cần xây dựng quy chế thực hành nghi lễ. Đây là bộ khung cơ bản để phân biệt được sự đúng - sai trong thực hiện nghi lễ thờ Mẫu. Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có quyết định riêng về quản lý Nhà nước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong văn bản này, có quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu… Các tỉnh, thành phố cũng có quy chế cụ thể phù hợp tình hình. Về lâu dài, cần nghiên cứu lập Hội Thánh Mẫu, để xây dựng tổ chức nghề nghiệp - xã hội vững mạnh, thông qua đó, quản lý các hội viên hoạt động đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, bảo đảm duy trì bản sắc văn hóa của thờ Mẫu.