Người dân Phú Bình đầu tư chăn nuôi bò theo hướng bền vững

NDO - Những năm gần đây, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã quan tâm chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, giá trị kinh tế chăn nuôi bò theo hướng bền vững, hàng hóa. Từ đó, góp phần đa dạng các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Phú Bình đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, hàng hóa.
Huyện Phú Bình đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, hàng hóa.

Xác định con giống đóng vai trò quan trọng, quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm, huyện Phú Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa giống bò năng suất, chất lượng cao như: 3B, Brahman, Zebu.

Khi triển khai dự án hỗ trợ sinh kế thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Phú Bình chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản và lựa chọn giống bò lai Sind để trao cho người dân. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn khoa học-kỹ thuật, hướng dẫn người dân quy trình thụ tinh nhân tạo với các giống bò chất lượng cao.

Giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn huyện triển khai 4 mô hình, như vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, kết hợp trồng ngô sinh khối tại xã Nga My; phát triển chăn nuôi bò nhốt chuồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Ninh; chăn nuôi bò thịt chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Nga My,...

Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tập huấn khoa học-kỹ thuật.

Ông Dương Văn Chung ở xóm Phú Xuân, xã Nga My, cho biết: Tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, tôi đã áp dụng đúng quy trình, cho ăn đủ liều lượng và đa dạng loại thức ăn và cách phòng, trị các bệnh thường gặp. Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày, bò tăng trọng lượng khoảng 1,2kg, sau gần 15 tháng nuôi mỗi con đạt khoảng 600kg.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, huyện Phú Bình chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền thành lập hợp tác xã để hộ chăn nuôi liên kết sản xuất và tiêu thụ tại các xã có thế mạnh về nuôi bò như: Nga My, Đào Xá, Bàn Đạt, Thanh Ninh, Tân Đức. Kết quả đã hình thành một số hợp tác xã chăn nuôi bò.

Anh Dương Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi bò và Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, cho biết: Hợp tác xã có 35 thành viên, trong đó 15 hộ nuôi bò với quy mô nuôi hơn 500 con bò 3B.

Sau khi thành lập vào tháng 8/2022, các thành viên thường xuyên học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau và chú trọng chăn nuôi theo quy trình tuần hoàn, an toàn sinh học. Nhờ đó, chất lượng thịt hơi của các hộ ngày càng được nâng cao.

Hợp tác xã này còn giới thiệu thương lái tiêu thụ bò hơi cho thành viên hoặc trực tiếp thu mua chế biến các sản phẩm từ bò. Trong năm 2024, hợp tác xã xuất bán 12 tấn sản phẩm chế biến từ bò, lợn; 63 tấn bò hơi, tăng 3 tấn so với năm 2023.

Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, chăn nuôi bò trên địa bàn ngày càng phát triển, đến nay, tổng đàn bò của huyện đạt gần 20,4 nghìn con; sản lượng thịt bò hơi đạt gần 1,1 nghìn tấn (tương đương so với năm 2022).

Ngoài bán bò hơi, ngày càng nhiều hộ, cơ sở chăn nuôi chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến từ thịt bò để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nổi bật là Hợp tác xã chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My đang sản xuất 7 sản phẩm từ thịt bò, trong đó dăm bông bò và khô bò đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã chăn nuôi bò theo chuỗi liên kết; tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, đồng thời hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.