Nằm ngay dưới chân cầu Nhật Tân, phía bên tả ngạn sông Hồng, trang trại sinh thái Chimi Farm 4 (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) là một địa điểm vui chơi, nghỉ dưỡng ưa thích của người dân quanh vùng, cũng như nhiều du khách từ nội đô trong dịp cuối tuần. Nằm ở bãi bồi sông Hồng, đến đây, khách tham quan được tham gia nhiều trải nghiệm như: Hái nho, hái dâu tây… theo mùa. Trang trại còn có vườn rau xanh và bí ngô, vườn hoa hướng dương, vườn thỏ, cừu, dê… để các gia đình đưa trẻ em đi khám phá. Khách muốn lưu trú cả ngày còn có thể thuê lều cắm trại; các dịch vụ ăn uống cũng sẵn sàng phục vụ khi khách có nhu cầu.
Theo anh Vũ Văn Lực, chủ trang trại, riêng khu vực trồng nho đã có diện tích 2,5ha với 1.000 gốc gồm nhiều giống nho khác nhau. Khách du lịch đến thăm trang trại xong thường mua các loại hoa quả, rau xanh về, khiến trang trại có thể bán tại chỗ một lượng sản phẩm không nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hòa (tập thể Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: “Gia đình tôi đã hai lần đến Chimi Farm 4. Chi phí cho một chuyến tham quan trang trại không lớn, nhưng các bạn nhỏ trong gia đình tôi được khám phá thiên nhiên cho nên mọi người đều rất thích”.
Hà Nội có diện tích canh tác nông nghiệp khá lớn. Trong khi đó, do lượng dân cư đô thị ngày một đông, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khá cao. Nắm được xu thế này, hàng loạt trang trại nông nghiệp sinh thái đã ra đời phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân. Trên địa bàn thành phố có hàng chục mô hình, với cách thức hoạt động phong phú. Nổi bật nhất là mô hình có sự kết hợp nông nghiệp-du lịch-giáo dục học đường, với 11 đơn vị đang hoạt động. Các khu du lịch như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì)… từ lâu đã là điểm đến cho du lịch học đường. Các đơn vị khác chủ yếu hoạt động theo phương thức làm nông nghiệp kết hợp tham quan và dịch vụ.
Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, hiện cũng chuyển mình với nhiều trang trại du lịch sinh thái. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, khi phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, tạo ra các không gian, vườn hoa, vườn cây và dịch vụ đi kèm thì nguồn thu chính không phải từ nông sản mà là từ dịch vụ du lịch.
Mặc dù đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên, so với nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của người dân trên địa bàn thành phố, số lượng các trang trại nông nghiệp du lịch sinh thái vẫn còn quá ít. Bên cạnh đó, chỉ một số ít trang trại có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu, còn lại các trang trại đều yếu ở dịch vụ và nhân lực, thiếu sáng tạo trong thiết kế các dịch vụ đi kèm để tạo nên sự hấp dẫn. Ông Mai Văn Tám, chủ một trang trại nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết: “Các trang trại gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, hành lang pháp lý, nhưng rào cản lớn nhất là nhân lực trong phát triển du lịch. Từ một nông dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cả một chặng đường dài”. Bên cạnh đó, để các trang trại sinh thái trở nên hấp dẫn cần có quy hoạch không gian hợp lý, không để các công trình xây dựng phá vỡ quy hoạch nông thôn, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan các khu du lịch sinh thái.
Về vấn đề này, trong Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ một đến ba sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Thành phố sẽ hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Đây chính là điều kiện cần thiết để thúc đẩy mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.
Về phía ngành du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cũng cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ các công ty lữ hành đưa khách về các làng du lịch sinh thái ven đô. Trong năm 2022, Sở Du lịch đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng sản phẩm du lịch cho những mô hình điểm tại các huyện, thị xã dưới dạng “cầm tay chỉ việc” với nông dân, cán bộ cơ sở; gắn đào tạo với tham quan, học tập các mô hình điểm để khắc phục những điểm yếu về nhân lực và hoạt động dịch vụ hiện nay.