Đầu tàu kinh tế khu vực phía bắc

70 năm sau ngày giải phóng, từ một thành phố tiêu thụ hàng hóa, quy mô nhỏ, có nền công nghiệp sơ khai, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn, đầu tàu kinh tế khu vực phía bắc, phát triển theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao và bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðinh Trọng Thịnh thông tin, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích 130 km2 với nền kinh tế khó khăn, chỉ có hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Sau hơn 10 năm xây dựng, đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền bắc. Trên địa bàn Thủ đô hình thành các khu công nghiệp lớn đầu tiên tại khu vực Thượng Ðình, Minh Khai, Yên Viên, Ðông Anh với hàng chục nhà máy, xí nghiệp mới. Các cơ sở công nghiệp của Hà Nội đã chế tạo được máy tiện, máy phay, biến thế, động cơ diesel, phụ tùng ô-tô, máy búa, máy đột dập, động cơ điện cỡ nhỏ…

Ðến nay, công nghiệp Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đang chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của thành phố. Trên địa bàn có chín khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6 ha), ba khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4 ha). Bên cạnh đó là 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích 1.392 ha; 31 cụm công nghiệp thành lập mới và 12 cụm công nghiệp có quyết định thành lập giai đoạn 2.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh của Thủ đô, thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai Chương trình số 124/CTr-UBND ngày 19/9/2012 về “Hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn có chất lượng và sức cạnh tranh cao; sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn”; Quyết định số 5149/QÐ-UBND ngày 26/8/2013 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh Thủ đô”. Trong đó, chú trọng triển khai Chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học-công nghệ theo cơ chế đặt hàng giữa các nhà quản lý-khoa học-doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.

Trong lĩnh vực công nghệ cứng, đã có hàng trăm nghìn chủng loại thiết bị máy móc tiên tiến đã được đầu tư và đưa vào sản xuất. Các tiến bộ mới về khoa học-công nghệ như gia công chế tạo sử dụng điều khiển kỹ thuật số CNC, tự động hóa, robots, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… được áp dụng và nhân rộng. Việc sử dụng các phần mềm chuyên dụng trong thiết kế, gia công chế tạo, quản lý, quản trị... đã và đang ứng dụng ngày càng rộng rãi.

Về công nghệ mềm, các doanh nghiệp đã ứng dụng nhiều hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến thế giới như hệ thống ISO của châu Âu, hệ thống TQM của Nhật Bản,… Các công cụ quản trị tiên tiến trong doanh nghiệp như Lean, 6 Sigma, TPS, 5S, Kaizen,… từng bước được ứng dụng hiệu quả. Một số dây chuyền sản xuất, một số công nghệ về sản xuất bia, chế biến sữa chua, giết mổ gia cầm, quần áo xuất khẩu, sứ vệ sinh, cửa nhựa lõi thép, dây cáp điện ô-tô, thiết kế chế tạo khung nhà thép tiền chế, dây chuyền sản xuất rượu bia, sản xuất đèn compact, lắp ráp điện tử, lắp ráp xe máy… đã đạt trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực.

Từ tháng 11/2023, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về thành phố quản lý với 109 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng; trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới...

Các dự án đã đi vào hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Phó Trưởng ban, Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Ðắc Trung cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Thành phố phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển công nghiệp có chọn lọc gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh; gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa trong sản xuất các ngành công nghiệp; xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ ngành công nghiệp và đổi mới sáng tạo; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành ngành công nghiệp…; phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, có nền công nghiệp hiện đại dựa trên tri thức, trình độ khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao.