Bài 1: Bắt tay ngay vào những việc khó, việc mới
Đầu năm 2022, Hà Nội đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và nhiều cách làm sáng tạo, thành phố đã vượt qua và đang băng băng về đích với kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có cả những việc khó, việc mới, chưa có tiền lệ.
Sáng 11/10, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) đã tổ chức di dời 18 ngôi mộ, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Các ngôi mộ được di dời về nghĩa trang thôn Kim Tiền trong sự đồng thuận cao của người dân. Kim Hoa là xã đầu tiên của huyện Mê Linh di dời các ngôi mộ trong chỉ giới đường đỏ của đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Làm thật tốt để nhân dân ủng hộ
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Hoa Lê Xuân Trường, tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã dài hơn 3km. Tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng là 30ha, liên quan 400 thửa đất nông nghiệp và khoảng 200 phần mộ. Sau thời gian tích cực vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, hầu hết người dân trong xã đều ủng hộ.
Tại huyện Thường Tín, từ Ban chỉ đạo huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban đến các tổ công tác cũng đang làm ngày làm đêm để bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Đường Vành đai 4 đi qua địa phận huyện Thường Tín có tổng chiều dài khoảng 9km, cần thu hồi khoảng 120ha đất tại chín xã; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 2.001 hộ, cá nhân, 14 tổ chức; tái định cư 236 hộ, di chuyển 3.895 ngôi mộ tại sáu xã. Trong đó, riêng xã Văn Bình cần di dời hơn 3.700 ngôi mộ.
Lúc đầu khi nhận được thông tin phải di chuyển mồ mả của thân nhân, nhiều người dân phản ứng. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện, xã kiên trì vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng, tính cấp thiết của dự án, nhất là khi gia đình các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã có phần mộ tại đây đã gương mẫu di chuyển trước, người dân đồng thuận thực hiện. Vì thế đến thời điểm này, mặc dù chưa nhận được tiền hỗ trợ, song nhiều gia đình trong diện giải phóng mặt bằng đã chủ động di dời mộ tới địa điểm mới.
Không khí triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô cũng đang diễn ra rất khẩn trương tại năm địa phương là Sóc Sơn, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai. Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Với chiều dài 58,2km, đi qua bảy quận, huyện của thành phố, theo tính toán, Hà Nội cần tới 741ha đất để thực hiện siêu dự án này. Đặc biệt phức tạp là việc di dời hàng chục nghìn ngôi mộ, trong khi thành phố đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng.
Khối lượng công việc rất lớn như vậy, nếu không quyết tâm, thiếu quyết liệt sẽ khó thành công. Đích thân đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng chí chỉ rõ: “Các công việc triển khai thực hiện dự án phải làm đồng thời, không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được... Chúng ta xác định thành công của dự án là danh dự của thành phố. Vì vậy, từng đồng chí phải làm hết lòng, hết sức, làm thật nghiêm, thật tốt ngay từ đầu để nhân dân ủng hộ”.
Quán triệt tinh thần quyết liệt ấy, từ Thường trực Thành ủy đến Ban Thường vụ Thành ủy đều vào cuộc rốt ráo, xuống từng địa bàn để đôn đốc, kiểm tra, gỡ vướng ngay cho cơ sở. Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể từng lĩnh vực từ giải phóng mặt bằng, quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục... liên quan dự án này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trong thời gian 24-48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc. “Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan dự án Vành đai 4 phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
Không quyết liệt, khó hoàn thành
Cùng với dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, hàng loạt “đầu việc” quan trọng khác cũng được Hà Nội triển khai như xây dựng, ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; góp ý xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai và khoáng sản, Chỉ thị về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng; ban hành quy định mới về công tác đánh giá cán bộ; quy định về công tác quản lý, sàng lọc đảng viên...
Nhìn vào danh sách các nhiệm vụ phải triển khai trong năm 2022 mới thấy rằng, nếu công tác lãnh đạo, chỉ đạo không đổi mới, không quyết liệt thì khó hoàn thành. Điển hình như việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Quá trình xây dựng thực tế đã bắt đầu từ ngay khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị. Sau nhiều lượt, nhiều vòng rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cùng quá trình làm việc tâm huyết, trách nhiệm, kỳ công của các cơ quan tham mưu và lãnh đạo thành phố, ngày 26/8/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Công tác tuyên truyền về Nghị quyết cũng được đổi mới là để người dân hiểu, hưởng ứng và tham gia. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW theo hình thức trực tuyến kết hợp sân khấu hóa và chỉ trong bốn tuần của tháng 8/2022 đã thu hút hơn một triệu thí sinh tham gia. Đây là những tuyên truyền viên hữu hiệu, tạo sức lan tỏa rộng khắp để mỗi người dân cùng chung tay xây dựng, phát triển Thủ đô. Ðảng viên Nguyễn Mỹ của Chi bộ khu dân cư 14 chia sẻ: “Cuộc thi rất ý nghĩa, giúp cho mỗi đảng viên hiểu sâu sắc những nội dung giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, từ đó cùng nhau tham gia thực hiện”.
Công tác tổ chức, cán bộ của thành phố cũng có nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả tích cực. Thành phố đã tổ chức thành công ba lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức năm 2022 theo Quy định số 164-QĐ/TW cho 706 đồng chí là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; năm lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho 579 bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025. Bí thư và các đồng chí Thường trực Thành ủy trực tiếp đứng lớp truyền đạt, chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong công tác quản lý, điều hành, trong đó luôn nhấn mạnh yêu cầu mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ chủ chốt phải tăng cường trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: “Thành ủy và các cấp ủy đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, toàn diện và hiệu quả; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Thành phố tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao”.
(Còn nữa)