Chương trình ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lần này làm cơ sở để triển khai dự án nhằm hỗ trợ một bộ phận người yếu thế tại Việt Nam, giúp họ phát triển kỹ năng và tạo sinh kế, ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội.
Đối tượng thụ hưởng dự án là các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam, phụ nữ, người khuyết tật và người nghèo...
Dự án được triển khai sẽ góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ được ưu tiên là phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động.
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, đối tượng dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho mọi người lao động học nghề, lập nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo thực hiện công bằng xã hội.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Trong đó, nổi bật là những thành tựu hợp tác được đẩy mạnh trong lĩnh vực lao động và việc làm. Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam 74 triệu USD về lĩnh vực này. Phía bạn cũng hỗ trợ Việt Nam phát triển mô hình các trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Tới nay, mô hình đã đạt được một số thành công.
Hợp tác hỗ trợ về thi kỹ năng nghề cũng là một điểm nhấn ấn tượng. Phía Hàn Quốc đã hỗ trợ đào tạo các thí sinh Việt Nam giành hai Huy chương Đồng tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.
Ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA, nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng là việc hết sức quan trọng, trong đó đào tạo kỹ năng tay nghề cho đối tượng yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn là việc làm rất cần thiết. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và KOICA hôm nay sẽ đáp ứng được yêu cầu đó.
Theo thông tin từ Cục Bảo trợ xã hội, Việt Nam hiện có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 58%. Thời gian qua, nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật được ban hành. Đặc biệt, Luật Người khuyết tật được coi là luật khung thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật, quy định toàn diện các chính sách về trợ cấp, chăm lo giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, đảm bảo an sinh xã hội...
Cả nước hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn một triệu người khuyết tật, hình thành mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả người khuyết tật đều được hỗ trợ. Nhiều chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên ổn định cuộc sống.
Việt Nam cũng đã thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Qua đó, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của nước ta trong bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm.